Phật giáo góp phần làm phong phú, giàu có cho nền văn hóa Đông Nam Á

Nghe đọc bài:

Sự ảnh hưởng và thâm nhập của Phật giáo vào Đông Nam Á đã để lại trong lòng mỗi dân tộc ở các quốc gia Đông Nam Á di sản độc đáo, góp phần làm phong phú, giàu có cho nền văn hóa Đông Nam Á

 Phát triển du lịch tâm linh

Nhiều năm trở lại đây, du lịch tâm linh đóng vai trò quan trọng trong ngành du lịch của nhiều quốc gia trên thế giới.

Đây là loại hình du lịch không chỉ khám phá văn hóa, lịch sử mà còn chạm đến sự sâu thẳm trong tâm thức mỗi con người. Mỗi địa điểm du lịch tâm linh là một câu chuyện riêng, mở ra không gian để khám phá và hiểu sâu hơn về lịch sử và văn hóa độc đáo của mỗi dân tộc cũng như chính thế giới bên trong mỗi con người.

Du khách đến với du lịch tâm linh thường là du khách hành hương, tức những chuyến đi chỉ vì mục đích tôn giáo hoặc tín ngưỡng. Lượng du khách thứ hai là những người cũng có nhu cầu đến thăm các địa điểm tôn giáo nhưng với mục đích chính là để chiêm bái các công trình kiến trúc, di sản, tìm hiểu văn hóa, trau dồi kiến thức hoặc đi tìm trải nghiệm mới mẻ.

Nói đến Thái Lan là nói đến đất nước của đền chùa, đình tháp với những sắc màu Phật giáo khác nhau. Chính Phật giáo đã góp phần tạo ra những tác phẩm điêu khắc và kiến trúc tuyệt vời của Thái Lan mà khi bước chân đến mảnh đất này, du khách không khỏi ngỡ ngàng và kinh ngạc. Thái Lan nhờ những di sản Phật giáo khổng lồ, hệ thống đền đài quy mô, hoành tráng (riêng ở thu đô Bangkok có khoảng hơn 4.000 ngôi chùa) đã trở thành trung tâm du lịch tâm linh, một điểm đến hấp dẫn với khách quốc tế.

Trong hàng ngàn vạn ngôi chùa ở Thái Lan thì chùa Wat Pho được cho là một trong 7 kỳ quan Phật giáo của thế giới9). Chùa Wat Pho có tên đầy đủ là Wat Phra Chetuphon, còn được nhiều du khách biết tới với cái tên Chùa Phật Nằm. Ngay sát công công trình này là ngôi chùa cũng rất nổi tiếng: Chùa Phật Ngọc.

Ngôi chùa luôn được rất nhiều du khách lựa chọn khi tới Thái Lan. Ngoài ra, còn nhiều chùa Phật giáo khác như chùa Wat Yai là ngôi chùa “đẹp và thiêng nhất” Thái Lan – thờ ngôi tượng Phật làm bằng đồng, được xây dựng vào năm 1357, dưới sự bảo trợ của vua Mahatammaracha triều đại Sukhothai. Với hệ thống đền chùa đình miếu quy mô và hoành tráng như trên, Thái Lan là quốc gia có sự phát triển du lịch tâm linh mạnh ở khu vực Đông Nam Á.

Ngoài Thái Lan thì Myanmar cũng là nơi rất phát triển du lịch tâm linh nhờ di sản Phật giáo. Trong hệ thống chùa chiền khổng lồ tại Myanmar, cụm đền chùa Bagan được UNESCO rất quan tâm và đã là Di sản thế giới nếu như không xảy ra sự việc trùng tu, xây mới tại khu vực. Cụm đền chùa tại Bagan có niên đại từ hàng trăm năm trước.

Cho đến nay, nơi đây vẫn còn lưu giữ được hơn 2.000 ngôi đền, chùa với những   nền kiến trúc độc đáo khác nhau. Những di tích đền chùa còn sót lại ở Bagan có thể sánh ngang với hai quần thể đền tháp nổi tiếng của Campuchia và Indonesia đó là đền Angkor Wat và đền Borobodur.

Chùa Shwedagon (Myanma)

Du khách khi đặt chân đến đây sẽ hiểu biết về một trong những triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử Myanmar: triều đại Bagan (1044 – 1287). Vào thời kỳ rực rỡ nhất của mình (giữa thế kỷ 11 – thế kỷ 13), các nhà lãnh đạo Myanmar thời đó đã cho xây dựng hàng ngàn ngôi đền ở các vùng đồng bằng Bagan. Những đền, chùa được xây dựng trong thời đại này đánh dấu sự khởi đầu của truyền thống Phật giáo mới ở Myanmar.

Một hệ thống đền đài quy mô, hoành tráng như vậy còn tồn tại đến ngày nay quả là hiếm, đủ sức biến Myanmar trở thành một trung tâm du lịch tâm linh. Dù không phải là một trong bảy quốc gia có được “Bảy kỳ quan của thế giới Phật giáo” (Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka, Thái Lan, Campuchia, Hong Kong, Mỹ) nhưng Myanmar được cả thế giới biết đến như là một vùng đất vàng, đất Phật.

Myanmar nằm không xa Việt Nam, với hơn 2.500 năm Phật giáo Theravada ngự trị, luôn thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế nhờ có những tháp chùa lấp lánh ánh vàng. Cũng không phải ngẫu nhiên mà nền nghệ thuật Myanmar dường như chỉ dành riêng cho những công trình tôn giáo hoặc xoay quanh đề tài tôn giáo

Quảng bá đi sản ra thế giới bên ngoài

Sự ảnh hưởng và thâm nhập của Phật giáo vào Đông Nam Á lục địa đã để lại trong lòng mỗi dân tộc ở các quốc gia Đông Nam á lục địa di sản độc đáo; trong top 12 công trình tôn giáo nổi tiếng ở khu vực Đông Nam Á, không thiếu công trình liên quan đến kiến trúc Phật giáo ở các nước Đông Nam Á lục địa như: đền Angkor Wat (Campuchia); Đền Wat Rong Khun và đền Wat Arun (Thái Lan); Tháp Thạt Luổng (Lào); Chùa Shwedagon (Myanmar)

Chùa That Luang (Lào)

Về Thạt Luổng của Lào: Thạt Luổng/ That Luang (Lào) được xây dựng giữa thế kỷ XVI (năm 1566) do vua Xệttharthilat đề xuất – sau khi rời đô từ Luangprabang về Vientiane. Tương truyền, Thạt Luổng là một trong số ít những ngôi chùa Phật trên giới được lưu giữ xá lợi của Thích Ca Mâu Ni khi người nhập Niết bàn.

Theo truyền thuyết, nơi đây Đức Phật đã gửi lại một sợi tóc. Truyền thuyết này làm cho Thạt Luổng lung linh sắc màu Phật giáo. Trong tiếng Lào, “Thạt Luổng” có nghĩa là Tháp lớn. Tháp mang hình nậm rượu được đặt trên đế hoa sen. Thạt Luổng “có một cấu trúc truyền thống gồm ba bộ phận: hồi lang lao quanh – dành cho nghi lễ chạy đàn, vòm thân hình tháp.

Cho đến thời điểm Thạt Luổng ra đời thì kiểu kiến trúc tháp Phật đã có một lịch sử phát triển liên tục gần 2.000 năm. Qua 2.000 năm, kiểu kiến trúc này đã ngày càng hoàn thiện và biến hóa ra muôn hình vạn trạng ở các nước tiếp thu văn hóa Phật giáo”.

Về Chùa Shwedagon ở Myanmar: Myanmar được thế giới biết đến nhờ những di sản Phật giáo.

Trong số đó, nhiều công trình có thể trở thành Di sản thế giới như Chùa Shwedagon (chùa Vàng) ở Yangon – ngôi chùa tháp lớn nhất, đẹp nhất Myanmar, hình thành từ 2.500 năm trước, từng nhiều lần được các triều đại phong kiến tu bổ, mở rộng.

Ở Yangon còn có chùa Phật nằm, chùa Phật ngọc, chùa tóc Phật, chùa răng Phật… rất độc đáo. Chùa Kyaikhtyo ở bang Mon là kỳ quan có một không hai trên thế giới. Chùa được xây trên tảng đá lớn màu vàng chênh vênh trên vách núi cao, trông rất ngoạn mục.

Về quần thể Angkor của Campuchia: Nhắc đến Campuchia không thể không nhắc tới Angkor. Năm 1992, tổ chức UNESCO đã công nhận quần thể di tích Angkor là Di sản văn hóa thế giới – trong đó, nổi bật là hai công trình lớn là Angkor Wat và Angkor Thom.

Angkor Wat: Là một trong những niềm kiêu hãnh và tự hào của người dân Campuchia. Vào những thế kỷ trước, nhà nghiên cứu phương Tây Henri Mouthot – khi phát hiện ra quần thể này đã phải kinh ngạc thốt lên: “Có lẽ không bao giờ có công trình nào sánh ngang với nó ở trên mặt quả địa cầu này.

Angkor Thom: Được vua Jayavacmar VII khởi công xây dựng vào thế kỷ thứ XII. Sức hấp dẫn của đền này nằm ở tháp Bayon, Bayon là biểu tưởng cho sức mạnh nội sinh của người dân Campuchia.

Chùa Trấn Quốc (Việt Nam)

Do nằm ở cửa ngõ quốc tế nên ngay từ xa xưa, Đông Nam Á nói chung, Đông Nam Á lục địa nói riêng đã trở thành nơi giao thoa của các nền văn hóa trong khu vực và trên thế giới. Việc tiếp thu chọn lọc tinh hóa văn hóa nước ngoài (trong đó có đạo Phật)  với những đóng góp của nó trong đời sống văn hóa các nước Đông Nam Á lục địa đã một lần nữa khẳng định vai trò, vị trí của Phật giáo tại Đông Nam Á lục địa.

Tác giả: TS.Hà Thị Đan

Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Nguồn: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *