Phật giáo và văn hóa Đông Nam Á

Nghe đọc bài:

Cùng với Kito giáo, Hồi giáo, Bà la môn giáo…, Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn của thế giới. Ra đời ở Ấn Độ khoảng thế kỷ VI TCN, sau khi du nhập vào các nước Đông Nam Á lục địa, Phật giáo đã hòa vào dòng chảy lịch sử nơi đây và có vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực của đời sống.

Ở góc độ văn hóa, sự có mặt của Phật giáo đã làm cho bức tranh văn hóa ở Đông Nam Á trở nên phong phú, giàu có hơn. Sự phong phú, giàu có ấy thể hiện ở nhiều khía cạnh từ văn học, nghệ thuật đến phong tục, tập quán, lễ hội…

Các nước Đông Nam Á lục địa như Campuchia, Myanmar, Lào, Thái Lan đều có sự đa dạng về tôn giáo. Do nằm ở vị trí “ngã tư đường” nên Đông Nam Á là nơi giao lưu, gặp gỡ của nhiều luồng văn hóa đến từ các quốc gia thuộc Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập và phương Tây. Kết quả là, cùng với văn hóa, hầu hết các tôn giáo lớn đều có mặt ở đây bao gồm: Bà la môn giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Công giáo… Ở các nước nói trên, tuy có sự đa dạng về tôn giáo nhưng Phật giáo là tôn giáo chính.

Khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew đã chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa Phật giáo và văn hóa. Theo kết quả khảo sát này thì giới Phật tử ở Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan đã coi đạo Phật không chỉ là “một tôn giáo họ chọn theo” mà còn là “một nền văn hóa mà họ thuộc về”.

Không phải ngẫu nhiên, nhiều quốc gia ở khu vực Đông Nam Á lục địa coi Phật giáo là quốc giáo.

Ở Campuchia hiện nay, số người theoPhật giáo chiếm khoảng 90% dân số . Trong lịch sử hơn 2.000 năm kể từ khi du nhập vào đất nước này, tuy có lúc thăng lúc trầm nhưng với triết lý mang tính khoa học và nội dung nhân văn sâu sắc, Phật giáo vẫn luôn khẳng định được vai trò, vị trí và sức sống trong lòng người Khmer và luôn đồng hành cùng xứ sở chùa tháp trong quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa, hội nhập khu vực và quốc tế.

Nói về tầm quan trọng của Phật giáo tại đất nước này, nhà nghiên cứu Thích Nữ Diệu Thuận nhận định: “Phật giáo đã gắn liền với sự hưng vong của vương quốc Campuchia, khi quốc gia cường thịnh, Phật giáo được phát triển đến đỉnh cao, còn khi độc lập chủ quyền đã bị mất thì Phật giáo cũng chịu chung số phận với đất nước. Sự có mặt của Phật giáo Campuchia đã góp phần quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa riêng của nước nhà. Ngày nay, Phật giáo vẫn là nền tảng văn hóa – xã hội của đất nước Campuchia” .

Ở Lào hiện Lào có bốn tôn giáo lớn được nhà nước công nhận và cho phép hoạt động gồm Phật giáo, Công giáo, Hồi giáo và đạo Bahái – trong đó đạo Phật là tôn giáo chính (số tín đồ Phật giáo, Công giáo, Hồi giáo và đạo Bahái – trong đó đạo Phật là tôn giáo chính (số tín đồ chiếm khoảng 65% dân số) và cũng là tôn giáo tồn tại lâu nhất ở xứ sở này từ trước đến nay. Đối với người Lào, đạo Phật không chỉ là tôn giáo mà còn là lẽ sống. Người dân Lào thấm nhuần trong mình những lời Phật dạy, tin vào luật nhân quả với triết lý: Ở hiền gặp lành, Ác giả ác báo…

Chùa That Luang (Lào)

Ở Myanmar, Phật giáo du nhập khoảng thế kỷ III TCN và cho đến nay, mấy nghìn năm đã trôi qua, tôn giáo này vẫn có sức sống trong lòng dân tộc, trở thành yếu tố tạo nên bản sắc văn hóa của người dân nơi đây. Hiện tín đồ Phật giáo ở Myanmar chiếm khoảng 90% dân số.

Ở Thái Lan, Phật giáo vào đây từ thế kỷ III TCN, nhanh chóng hòa nhập với nền văn hóa bản địa, phát triển một cách mạnh mẽ trong suốt tiến trình lịch sử. Từ trước khi thành lập nhà nước Thái cho đến nay, trải qua các triều đại phong kiến cho đến khi Thái Lan chuyển mình từ nền quân chủ chuyên chế sang quân chủ lập hiến, Phật giáo thực sự trở thành nhân tố quan trọng chi phối nhiều lĩnh vực của đời sống.

Chùa Wat Pho (Thái Lan)

Chẳng thế mà Thái Lan được mệnh danh là “đất nước của áo cà sa vàng”. Điều đó cho thấy, Phật giáo là nhân tố cấu thành bản sắc dân tộc. Nói cách khác, Phật giáo và đất nước Thái Lan có mối quan hệ khăng khít. Muốn tìm hiểu về Thái Lan, không thể bỏ qua vai trò của Phật giáo. Các bản Hiến pháp Thái Lan (1932, 1946, 1968, 1978, 1991, 1997, 2007) dẫu luôn công nhận quyền tự do tôn giáo thì vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của Phật giáo.

Thống kê cho biết: 4 quốc gia trên nằm trong top 10 quốc gia có tỷ lệ người theo Phật giáo đông nhất thế giới (cùng với Bhutan, Sri Lanka, Mông Cổ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc). Vì là tôn giáo chính nên Phật giáo luôn song hành cùng người dân các nước trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; trong đó có văn hóa.

Nguồn: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *