Trong một gia đình, bậc phụ mẫu luôn là người tần tảo sớm hôm, trải bao mưa nắng, hy sinh, sẵn sàng xả thân, đùm bọc lấy các con mình giữa bão tố của cuộc đời. Ý thức được điều đó, mỗi người con Việt luôn trân trọng và biết ơn cha mẹ của mình.
Hiếu thuận với cha mẹ đã trở thành một chuẩn mực đạo đức cơ bản của dân tộc Việt Nam. Theo đó, bất hiếu là tội lớn nhất. Đối với cha không kính, đối với mẹ không thương, người đó sẽ không thể trở thành một người đối nhân xử thế, có phẩm chất tốt. Hiếu hạnh với dân tộc Việt Nam mang ý nghĩa cao cả, thiết thực và có giá trị lớn lao.
“Tu đâu cho bằng tu nhà.
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”;
“Thứ nhất là tu tại gia,
Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”
Những câu ca dao trên đã chỉ rõ ý nghĩa và giá trị của chữ “tu” trong đời sống hàng ngày của người Việt. Đối với người dân trên mảnh đất hình chữ S, “tu” có ý nghĩa thực tế, là sự vận dụng đạo lý của cha ông răn dạy vào thực tế, làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, góp phần trong việc xây dựng hệ giá trị mới trong bối cảnh đương đại.
Để có thể du nhập và tồn tại trên mảnh đất của người Việt, Phật giáo đã có sự giao thoa mạnh mẽ với văn hóa bản địa, đặc biệt thể hiện qua sự hòa quyện với tư tưởng Hiếu của người Việt. Điều đó bộc lộ rõ nét trong lễ Vu Lan – một nghi lễ truyền thống của đạo Phật. Vào ngày rằm tháng bảy hằng năm, đồng bào Phật giáo và cả những người có thiện cảm với tôn giáo này lại tụ tập về chốn thiền tự để tham gia vào nghi lễ nhân văn này. Dưới ánh sáng Phật pháp, họ tự hứa với bản thân cần nỗ lực học tập, lao động, sống có ý nghĩa để không phụ công sức dưỡng dục của các đấng sinh thành. Tín đồ đạo Phật luôn quan niệm: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật, cha mẹ tại tiền như Phật tại thế”. Do đó, họ luôn tôn trọng và hiếu kính với cha mẹ.
Truyền thống Hiếu đạo, tình yêu và sự kính trọng dành cho người đi trước của dân tộc Việt đã hòa quyện, gắn kết với tinh thần từ bi của Phật giáo. Sự tương đồng về ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên với lễ Vu Lan Phật giáo đã góp phần tạo nên nét phẩm chất quý báu của người Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại. Sự hòa hợp của tín ngưỡng bản địa với Phật giáo – thứ tôn giáo ngoại sinh, đã tạo nên không gian văn hóa để họ luôn kính trọng và thực hành đạo Hiếu với ông bà, cha mẹ, những người có công với cộng đồng, với tổ quốc. Đất nước Việt Nam trường tồn bao đời, dù nhiều lần bị đô hộ, xâm lược cũng không mất đi bản sắc, chính bởi truyền thống luôn nhớ và khắc ghi cội nguồn quý báu ấy.
Nhịp sống hiện đại luôn khẩn trương với những guồng quay chóng mặt, nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị mai một. Hệ giá trị mới có sự thay đổi không nhỏ. Tuy nhiên, mỗi mùa lễ Vu Lan về, các tín đồ Phật giáo và những người có thiện cảm với tôn giáo này lại được dịp sống chậm lại, hướng về gia đình và cội nguồn. Mỗi người có cơ hội được chiêm nghiệm, ý thức được tầm quan trọng của gia đình, biết hướng về mái ấm của mình, trân trọng những giá trị đạo đức truyền thống; Từ đó, họ điều chỉnh hành vi, lối sống để xứng đáng với bậc sinh thành.
Sống hiếu đạo với mẹ cha không chỉ là một loại tình cảm cao đẹp, mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi trong mọi hoàn cảnh đối với mỗi người dân Việt. Lối sống thủy chung, “có trước có sau” đã thấm sâu vào văn hóa Việt, góp phần rất lớn trong việc duy trì những giá trị, phẩm chất đạo đức cao đẹp, gắn kết cộng đồng dân tộc. Đạo lý “uống nước nhớ nguồn” được dân tộc ta duy trì và phát huy. Quy mô của lễ Vu Lan trong các ngôi chùa Phật vì thế được mở rộng theo thời gian, những triết lý nhân sinh sâu sắc ẩn sâu trong sự kiện này luôn được trân trọng.
Đây là cách ứng xử truyền thống của người Việt, thể hiện sự hiếu thảo, lối sống “có trước có sau”, “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta từ ngàn năm. Tình cảm đó lại một lần nữa khắc sâu trong dịp lễ Vu Lan của cộng đồng Phật giáo vào rằm tháng Bảy hàng năm. Những tín đồ Phật giáo đều hiểu rằng: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Do đó, họ luôn ngập tràn hạnh phúc khi còn cha, còn mẹ để được sống với trọn lành hiếu đạo.
Tác giả: TS. Bùi Thị Ánh Vân
Nguồn: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/