Sáng ngày 03 tháng 02 năm 2025 (Tức ngày 06 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Chùa Bái Đính long trọng tổ chức Hội xuân Bái Đính – Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Ngàn năm Bái Đính vọng về”.
Tham dự và chứng minh buổi lễ có Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam – trụ trì chùa Bái Đính; Hòa thượng Thích Thanh Điện – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Thọ Lạc – Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự – Trưởng Ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Thượng tọa Thích Minh Quang – Uỷ viên Thư ký Hội đồng Trị sự – Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Bình- Phó Trụ trì Thường trực Chùa Bái Đính. Cư sỹ Nguyễn Văn Trường, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường. Cùng chư Tôn đức Tăng Ni Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Bình và Ban Trị sự Phật giáo các huyện Thành phố trong tỉnh và các tỉnh lân cận cùng về tham dự.
Về phía chính quyền có Ông Đoàn Minh Huấn – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng – Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Ninh Bình; Ông Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình; Ông Phạm Quang Ngọc – Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình; Cùng quý vị đại biểu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố trong tỉnh cùng về tham dự.
Tại buổi lễ Thượng tọa Thích Minh Quang, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Bình, Phó Trụ trì chùa Bái Đính đọc Diễn văn khai mạc lễ hội.
Thượng toạ nhấn mạnh Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, Phật giáo Việt Nam luôn gắn kết giữa đạo với đời và đồng hành cùng dân tộc. Chùa Bái Đính có lịch sử ngàn năm, là một trong những danh lam nổi tiếng của đất Cố đô Hoa Lư xưa, đây là nơi Đinh Tiên Hoàng đế lập đàn tế trời vào dịp đầu xuân hàng năm để cầu nguyện Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và cũng là nơi vua Quang Trung chọn để thực hiện nghi lễ tế cờ, động viên tướng sĩ trước khi tiến ra Thăng Long đại phá quân Thanh. Mặc dù đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, nhưng danh lam Bái Đính vẫn được Tăng Ni, tín đồ Phật tử và nhân dân địa phương trân trọng, giữ gìn cho đến ngày nay và mãi mãi về sau.
Danh lam Bái Đính đã được tôn tạo và mở rộng để làm biểu trưng của giá trị văn hoá, đạo đức, tập trung tinh hoa trí tuệ, sáng tạo của người lao động và làm nên một trung tâm tâm linh, tín ngưỡng, hoằng pháp độ sinh; là nơi thỏa nguyện nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của đông đảo quần chúng nhân dân, tín đồ Phật tử; là điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn, góp phần tô điểm thêm thắng tích Phật giáo trong Quần thể Danh thắng Tràng An được Unesco công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới năm 2014.