Hà Nội: Tọa đàm khoa học “Ni giới Thủ đô: Kế thừa truyền thống, hội nhập và phát triển”

Nằm trong chuỗi hoạt động của chương trình Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo và tiền bối Ni hữu công Phật giáo Việt Nam năm 2025. Chiều ngày 02/4/2025 (nhằm ngày 05/03 Ất Tỵ), trong bầu không khí trang nghiêm, Phân ban Ni giới Thành phố Hà Nội đã long trọng tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Ni giới Thủ đô: Kế thừa truyền thống, hội nhập và phát triển” tại Tổ Đình Tây Thiên – Trung Hậu (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, TP Hà Nội).

Đây là dịp để tri ân công đức vô lượng của Đức Di Mẫu, cùng chư vị tiền bối Ni hữu công trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, đồng thời, cùng ôn lại các thành tựu hoạt động Phật sự và xã hội nổi bật của Ni giới Việt Nam.

Quang lâm chứng minh tại buổi tọa đàm có: Thượng Tọa Thích Minh Hiền – Ủy viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo Hội Phật Giáo  Việt Nam (HĐTS GHPGVN), Phó Trưởng ban Trị sự (BTS) GHPGVN Thành phố Hà Nội; Thượng Tọa Thích Minh Trí – Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội; Thượng Tọa Thích Chiếu Tuệ – Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội; Thượng tọa Thích Trí Như – Ủy viên Thường trực BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội, Phó hiệu trưởng Thường trực Trường Trung cấp Phật học Hà Nội.

Về phía Phân ban Ni giới Trung ương (PBNG TW) có sự hiện diện của Ni trưởng Thích Nữ Huệ Hương – Ủy viên HĐTS, Thường trực Ban chứng minh Phân ban Ni giới TW; Ni trưởng Thích Đàm Nghiêm – Thường trực Ban chứng minh Phân ban Ni giới TW; Ni trưởng Thích Nữ Như Xuân – chứng minh Phân ban Ni giới TW; Ni trưởng Thích Nữ Như Như – Phó trưởng Phân ban thường trực Phân ban Ni giới TW đặc trách Ni giới các tỉnh phía Nam; Ni trưởng Thích Đàm Lan – Ủy viên thường trực HĐTS, Phó trưởng Phân ban thường trực Phân ban Ni giới TW đặc trách Ni giới các tỉnh phía Bắc; Ni trưởng Thích Nữ Như Minh – Phó trưởng Phân ban thường trực Phân ban Ni giới TW đặc trách các tỉnh miền Trung cùng chư Tôn đức Ni lãnh đạo Phân ban Ni giới TW, chư Tôn đức Ni Phân ban Ni giới GHPGVN Thành phố Hà Nội và các tỉnh thành trên cả nước.

Điều phối buổi tọa đàm là Ni Trưởng Thích Đàm Thành – Ủy viên thường trực HĐTS, Phó Trưởng Phân ban Ni giới TW, Trưởng Phân ban Ni giới GHPGVN TP. Hà Nội; Ni Trưởng Thích Đàm Khoa – Ủy viên thường trực HĐTS, Phó trưởng Phân ban Ni giới TW; Ni Sư Thích Nữ Hòa Liên – Ủy viên thường trực HĐTS, Phó trưởng Phân ban Ni giới TW đặc trách Ni giới Hệ phái Khất sĩ cùng các Phó Trưởng Phân ban Ni giới TW: Ni Sư Thích Nữ Hương Nhũ, Ni Sư Thích Nữ Lệ Thuận, Ni Sư Thích Nữ Như Nguyệt, Ni Sư Thích Nữ Huệ Dâng và Ni Sư Thích Nữ Huệ Đức (Chánh Thư ký PBNG TW).

Cùng tham dự tọa đàm còn có chư tôn đức Ni Phân ban Ni giới TW, Phân ban Ni giới thành phố Hà Nội và các tỉnh thành trên cả nước.

Về phía chính quyền có Bà Nguyễn Thị Kim Dung – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN Thành phố Hà Nội; Ông Nguyễn Nguyên Quân – Phó Giám đốc, phụ trách Sở Dân tộc và Tôn giáo Tp. Hà Nội; Bà Phạm Bảo Khánh – Trưởng phòng Phật giáo- Sở Dân tộc và Tôn giáo Tp. Hà Nội; PGS. TS. Nguyễn Hồng Dương – Nguyên viện trưởng viện Nghiên cứu Tôn giáo; PGS. TS. Chu Văn Tuấn – Viện trưởng Viện xã hội học.

Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, Ni trưởng Thích Đàm Thành cho biết: “Đây không chỉ là dịp để Ni giới khắp ba miền Tổ Quốc tri ân công đức của Đức Di Mẫu, cùng chư vị tiền bối Ni hữu công trong lịch sử Phật giáo Việt Nam mà còn là dịp nhìn nhận về các hoạt động Phật sự và xã hội của Ni giới Việt Nam, Ni giới Thủ đô từ xưa đến nay. Hơn thế nữa, theo tinh thần “ôn cố tri tân”, các đánh giá về truyền thống Ni giới sẽ góp phần vào tạo dựng nền tảng cho Ni giới Thủ đô có được sự kế thừa đúng đắn trong quá trình hội nhập và phát triển ở hiện tại và tương lai. Tọa đàm cũng chính là đóa sen tỏa hương kính dâng lên Đức Thánh Tổ Ni và các chư vị Ni tiền bối hữu công Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong dịp Đại lễ.”

Tại buổi toạ đàm, ông Nguyễn Nguyên Quân đại diện phía chính quyền cũng có lời phát biểu ghi nhận và đáng giá cao chương trình Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo và chư Tôn đức Ni tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam đã được tổ chức long trọng tại Hà Nội, do Phân ban Ni giới Phật giáo Hà Nội đăng cai, thu hút gần 1000 đại biểu. Theo ông, Phật giáo Thủ đô vinh dự đăng cai lần thứ 10, hướng tới Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc – Vesak 2025. Trong khuôn khổ đại lễ còn diễn ra Tọa đàm “Ni giới thủ đô – Kế thừa truyền thống, hội nhập và phát triển”, tạo cơ hội để Ni giới thấm nhuần cội nguồn và sứ mệnh hoằng pháp. Đại lễ cũng là dịp nhắc nhở về tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” và lan tỏa các giá trị tốt đẹp của Phật giáo, đồng hành cùng đất nước hướng tới các sự kiện trọng đại của dân tộc”.

Ông cũng mong muốn trong thời gian tới, Ni giới tập trung thảo luận hai vấn đề chính: một là, phát huy và lan tỏa giá trị văn hóa Phật giáo tại các tự viện để phát triển du lịch tâm linh, góp phần vào kinh tế Thủ đô; hai là, tận dụng nguồn lực chư Ni trẻ để tham gia đào tạo và xây dựng hệ thống giáo dục mầm non, thể hiện tinh thần nhập thế và chia sẻ trách nhiệm với xã hội…

Với hơn 45 bài tham luận của các chư tôn Đức Tăng Ni từ các ban ngành và các tỉnh thành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cùng quý vị học giả đến từ nhiều viện nghiên cứu, trường đại học danh tiếng trong nước, tập trung vào 3 chủ đề chính:

  • Vai trò của Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo, các vị Ni đầu tiên thời Đức Phật, Kinh Luật Phật giáo về Ni giới, và các tấm gương Chư Ni tiền bối đối với việc kế thừa, xây dựng truyền thống của Phật giáo Việt Nam và Hà Nội.
  • Các hoạt động xã hội và đạo pháp của Ni giới Thủ đô trên các phương diện: hoằng dương Phật pháp, xây dựng Ni đoàn, tổ chức Giáo hội, tu học, giữ gìn quy củ thiền môn, giáo dục Phật tử, Từ thiện – Xã hội, văn hóa nghi lễ Phật giáo, bảo vệ môi trường.
  • Góc nhìn của Ni giới các tỉnh thành về Ni giới Thủ đô, đánh giá những cơ hội và thách thức trong quá trình hội nhập của Ni giới Phật giáo Việt Nam và Thủ đô trong Kỷ nguyên mới. Đáng chú ý là các vấn đề mới phát sinh trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, sự bùng nổ của Internet, quá trình giao lưu hội nhập quốc tế, kinh tế thị trường,…

Đặc biệt là các vấn đề mới phát sinh trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, sự bùng nổ của Internet, quá trình giao lưu hội nhập quốc tế, kinh tế thị trường,…

Tại phiên thảo luận, chư Tôn đức và các nhà nghiên cứu đã cùng nhau ôn lại và phân tích hành trạng, đạo nghiệp, tinh thần phụng sự cao cả cùng những kinh nghiệm quý báu của chư Ni tiền bối. Đồng thời, phiên thảo luận cũng là cơ hội để nhìn nhận và khích lệ tinh thần tiếp nối, kế thừa của thế hệ Ni đương đại những người đang nỗ lực noi theo tấm gương sáng ngời về đạo đức và trí tuệ của tiền nhân.

Qua hai phiên tọa đàm, các ý kiến được nêu lên trong các bài phát biểu tham luận đã ghi nhận những cống hiến đáng kể của Ni giới Việt Nam, đặc biệt là Ni giới Thủ đô, trong các hoạt động hoằng pháp, văn hóa, giáo dục và an sinh xã hội.

Dựa trên tinh thần kết nối và chia sẻ kinh nghiệm, phiên thảo luận đã tạo ra một diễn đàn cởi mở, nơi chư Tôn đức Ni có thể trực tiếp trao đổi, đóng góp ý kiến và gợi mở những giải pháp thiết thực cho công tác hoằng pháp tại địa phương.

Kết thúc phần diễn giải tham luận, Ni trưởng Thích Đàm Thành – Trưởng BTC đúc kết những bài tham luận đã góp phần làm sáng tỏ những công trạng, sự dấn thân phụng sự của quý Ni trưởng tiền bối, hữu công Phật giáo Việt Nam nói chung, Ni giới Phật giáo Hà Nội nói riêng trên con đường xiển dương Phật pháp và xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước. Những tấm gương tâm đức, tâm hạnh và tâm tuệ sáng ngời đó để cho hàng hậu thế học tập, noi theo tu tập. Từ đó tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, góp phần phát triển Đạo pháp, dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay. Bên cạnh đó những đóng góp trong Tọa đàm cũng đã chỉ ra những thách thức, hạn chế, kinh nghiệm trong hoạt động Phật sự và xã hội của Ni giới các tỉnh thành trên cả nước. Đây là những đóng góp quý báu để Phân ban Ni giới Phật giáo Hà Nội xây dựng những giải pháp phù hợp, hiệu quả trong tương lai để từ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần xây dựng và phát triển Giáo hội ngày càng vững mạnh trong lòng dân tộc.

Cuối buổi Toạ đàm, toàn thể hội chúng đã cùng được lắng nghe những lời huấn từ của Ni Trưởng Thích Nữ Huệ Hương. Qua những chia sẻ của mình, Ni trưởng đã nhấn mạnh và sách tấn chư Ni cần phát huy tinh thần nhập thế của đạo Phật, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục Phật giáo trên cả hai lĩnh vực. Đào tạo Ni tài và tham gia vào nền giáo dục xã hội. Nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và thực hành giáo pháp tại các chùa Ni trong Thủ Đô.

Tọa đàm đã diễn ra sôi nổi, nhận được nhiều chia sẻ tâm huyết và sâu sắc từ chư Tôn đức Ni đến từ khắp các tỉnh thành. Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng tích cực tham gia trao đổi một cách thẳng thắn, cởi mở và mang tính học thuật cao. Nội dung các tham luận vô cùng phong phú, bao quát cả những vấn đề chung mà Ni giới Việt Nam đang đối diện cũng như những đặc thù riêng của Ni giới Thủ đô trên hành trình không ngừng hoàn thiện Giới Đức, Tâm Đức và Tuệ Đức, các ý kiến tại tọa đàm đã đưa ra những kiến nghị thiết thực, nhằm phát huy hơn nữa vai trò quan trọng của Ni giới Việt Nam nói chung và chư Ni Thủ đô nói riêng trong bối cảnh thời đại mới.

Diệu Tường – PSO – PSTĐ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *