Hà Nội: Tọa đàm “Chào mừng Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc 2025” tại chùa Vạn Phúc

Sáng ngày 5/4, tại chùa Vạn Phúc (thôn Đoài, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã diễn ra buổi tọa đàm “Chào mừng Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc 2025” do Ban điều hành, văn phòng lớp Đào tạo Giảng sư khu vực phía Bắc tổ chức.

Buổi tọa đàm diễn ra dưới sự chứng minh và chủ tọa của Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban thường trực Ban Hoằng pháp TW, Trưởng Ban điều hành Lớp đào tạo Giảng sư khu vực phía Bắc, trụ trì chùa Vạn Phúc; Thượng tọa Thích Tâm Thuần – Phó Ban Hoằng pháp TW, Phó Ban điều hành Lớp đào tạo Giảng sư khu vực phía Bắc; Thượng tọa Thích Thiện Hạnh – Ủy viên thường trực Ban Hoằng pháp TW; Thượng tọa Thích Giác Minh – Ủy viên Ban Hoằng pháp TW; Thượng tọa Thích Trí Thuần – Phó thư ký Kiêm chánh Văn phòng Ban Hoằng pháp TW; Đại đức Thích Chánh Thuần – Ủy viên Ban Hoằng pháp TW, Phó chánh Văn phòng Phân ban Đào tạo Giảng sư, Chánh văn phòng Lớp đào tạo Giảng sư khu vực phía Bắc.

Ngoài ra, buổi tọa đàm còn có sự tham dự của chư Tôn đức lãnh đạo Ban điều hành, văn phòng Lớp đào tạo Giảng sư khu vực phía Bắc, chư Tăng Ni giảng sinh khóa 2, quý Phật tử đại diện các Đạo tràng, Học viên lớp Hoằng pháp viên cư sĩ Phật tử, Lớp Phật học trực tuyến.

Phát biểu khai mạc, Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ nhấn mạnh “Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc, hay còn gọi là Đại lễ Vesak, là một sự kiện mang tầm vóc quốc tế, không chỉ tôn vinh những giá trị tinh thần cao quý của Phật giáo, mà còn góp phần lan tỏa thông điệp hòa bình, đoàn kết và bao dung đến toàn nhân loại. Việc Việt Nam vinh dự được đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak 2025 là một sự kiện trọng đại, thể hiện sự quan tâm, ủng hộ của Đảng và Nhà nước đối với Phật giáo Việt Nam, đồng thời khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam trong việc thúc đẩy các giá trị nhân văn của Phật giáo trên trường Quốc tế”.

Theo Thượng tọa, đây là dịp để chư Tăng Ni, Phật tử cùng nhau chia sẻ, thảo luận và làm sáng tỏ những giá trị tinh thần quý báu của Phật giáo, đặc biệt là những giá trị liên quan đến chủ đề chính của Đại lễ Vesak 2025: “Hòa hợp, đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”.

Hơn nữa, đây cũng chính là một hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi Tăng Ni, Phật tử trong việc góp phần vào sự thành công của Đại lễ Vesak 2025. Qua đó, cùng nhau lan tỏa những thông điệp yêu thương, hòa bình và đoàn kết, góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Bắt đầu buổi tọa đàm, Thượng tọa Thích Tâm Thuần đã phát biểu đề dẫn, chia sẻ nội dung buổi tọa đàm sẽ tập trung vào việc thảo luận và làm sáng tỏ các chủ đề:

  • Nuôi dưỡng hòa bình nội tâm vì hòa bình thế giới
  • Tha thứ và chữa lành bằng chính niệm: con đường hòa giải
  • Từ bi Phật giáo bằng hành động: Trách nhiệm chung vì sự phát triển con người
  • Chính niệm trong giáo dục vì tương lai từ bi và bền vững
  • Thúc đẩy đoàn kết: Nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu.

Đây là những chủ đề mang tính thời sự và có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, tại buổi tọa đàm, chư Tôn đức và toàn thể đại chúng đã thảo luận và lắng nghe gần 20 bài tham luận trên tổng số 60 bài từ phía chư Tăng Ni và các cư sĩ Phật tử của các Đạo tràng gửi về. Tất cả các bài tham luận đều mang tính gợi mở, có tính nghiên cứu sâu sắc.

Đúc kết buổi tọa đàm, Thượng tọa Thích Thiện Hạnh đã nhìn nhận các bài tham luận của chư Tăng Ni và các cư sĩ đều lấy chính niệm làm sự móc nối, nhằm dẫn dắt nội dung theo chủ đề, để khẳng định những giá trị của lòng từ bi, bao dung và sự tha thứ, đề cao tinh thần hòa hợp đoàn kết và hòa bình. Theo Thượng tọa, sau khi Đức Phật thành Đạo, Ngài đã luôn đề cao nhân phẩm và phẩm chất của con người, lấy đạo đức là điều thiết yếu trong cuộc sống.

“Tuệ giác của Phật giáo chính là ánh sáng dẫn dắt, soi đường cho tất cả nhân loại thoát khỏi sự khổ đau để xây dựng, phát triển tâm từ bi, tha thứ và lan tỏa tình thương tới cộng đồng” – Thượng tọa nhấn mạnh.

Từ đó, Thượng tọa mong rằng tất cả chư Tăng Ni, Phật tử từng ngày, từng giờ đều phải luôn giữ tỉnh thức trong nội tâm của chính mình, bởi chỉ khi tỉnh thức ta mới có thể xây dựng được một xã hội an lành dựa trên tinh thần từ bi, nhân ái, bao dung, tha thứ và đoàn kết.

Diệu Tường

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *