Hà Nội: Lễ hội truyền thống làng Yên Phú và lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử Đình Yên Phú

Sáng ngày 6/12, tại Đình Yên Phú (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã trang trọng diễn ra lễ hội truyền thống đình làng và lễ công bố Bằng di tích lịch sử văn hóa Đình Yên Phú, với sự tham dự của đông đảo bà con nhân dân.

Tham dự buổi lễ có Hòa thượng Thích Thọ Lạc – Ủy viên thường trực HĐTS, Trưởng Ban Văn hóa TW GHPGVN; Thượng tọa Thích Trí Như – Ủy viên thường trực BTS GHPGVN thành phố Hà Nội, Trưởng BTS GHPGVN huyện Thanh Trì cùng chư Tôn đức Tăng Ni trong BTS GHPGVN huyện Thanh Trì.
Ngoài ra buổi lễ còn có sự hiện diện của quý vị lãnh đạo đại diện cho chính quyền sở tại đã về tham dự.


Sau lời phát biểu khai hội của ông Nguyễn Văn Hưng – Trưởng thôn, Trưởng Ban tổ chức chương trình, nhân sự kiện nhân dân Chùa – Đình Yên Phú hân hoan tổ chức lễ gắn biển tên đường Phương Dung cho đoạn Quốc lộ 1A từ Ngọc Hồi đến Quán Gánh, ông Nguyễn Ngọc Tuyến – Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi đã tóm tắt lịch sử Đình Yên Phú cùng sự tích của Sư bà Phương Dung.
Theo đó, Sư bà Phương Dung sinh vào thời Đông Hán đầu Công Nguyên, ở làng Lưu Hàm, huyện Thượng Hiền, phủ Nghĩa Hưng, đạo Sơn Nam Hạ. Bà là người có sắc đẹp không ai sánh bằng. Tròn 16 tuổi, duyên lành chưa định, Phương Dung nguyện không lấy chồng, một lòng mộ theo đạo Phật. Một ngày nọ, Phương Dung đến huyện Thanh Trì (xưa gọi là Thanh Đàm), Châu Thưởng Tín, thành Thăng Long (Tên xưa là phủ Phụng Thiên), khi đến đầu làng Yên Phú thì thấy một ngôi chùa, ngóng trông bốn bề khoáng đãng, phong cảnh hữu tình liền đặt tên Thanh Vân Cổ Tự và nguyện ở nơi đây và nguyện ở lại đây sớm khuya hương khói. Trong thời gian đó, Sư bà tiếp độ được 2 người đệ tử Trung Vũ và Đài Liệu. Đến năm 40 sau Công Nguyên, Sư bà cùng hai đệ tử và các Tráng sĩ Yên Phú nghe theo tiếng gọi của Hai Bà Trưng, phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân Tô Định, dành lại độc lập cho dân tộc. Sau khi thắng trận, Hai Bà Trưng lên ngôi vua, ban tước lộc khao thưởng cho các Tướng sĩ đã có công. Nhà vua phong cho Phương Dung làm công chúa. Khi dự tiệc chiến thắng khao thưởng từ triều đình trở về, đến xứ Đồng Lăng, làng Yên Phú thì trời đất chuyển động, vân đằng vũ lượn, điện sáng lôi vang cung rước Sư bà về cõi thiên giới, còn nhị vị đệ tử trở về thủy cung, nhằm ngày mùng 7 tháng 11 (âm lịch) năm 40 Sau Công Nguyên.
Các nhà khoa học nghiên cứu cho rằng Sư bà Phương Dung là vị Ni sư đầu tiên của Phật giáo Việt Nam, là người có công lao to lớn với Đạo Phật và dân tộc, đã được các Triều đại phong kiến phong tặng cho 23 Đạo sắc phong và cuốn Thần phả có giá trị, hiện vẫn còn đang được lưu giữ tại chùa Yên Phú (xã Liên Ninh). Ngôi chùa đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch) xếp vào hạng Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia năm 1988. Đến nay sau gần 40 năm, Đình làng Yên Phú được Thành phố cấp bằng công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa, đồng thời được mang tên đường Phương Dung thay cho đoạn Quốc lộ 1A từ Ngọc Hồi đến Quán Gánh.


Đình Yên Phú xưa kia còn gọi là nơi Quốc tế (cả nước tế lễ). Nơi đây từng có các vua triều Nguyễn về tế đôi lần, là nơi ghi dấu biết bao sự kiện thăng trầm của lịch sử và đời sống chính trị-xã hội, vừa là địa điểm sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, gắn bó với bao thế hệ người dân. Đình hiện nay còn lưu giữ 23 đạo sắc từ triều Hậu Lê đến triều Nguyễn. Sự kiện đón nhận Bằng di tích lịch sử Đình Yên Phú góp phần giáo dục truyền thống lịch sử – văn hóa, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ về các danh nhân, các anh hùng, về các địa danh và các sự kiện lịch sử… của quê hương Thanh Trì, của đất nước. Khép lại buổi lễ, chư Tôn đức cùng quý vị khách quý và nhân dân đã làm nghi thức dâng hương lễ Thánh và bắt đầu nghi thức rước kiệu quanh khu vực xã.

Diệu Tường – Quang Phước

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *