Như tin đã đưa, từ ngày 2 – 10/10/2024, tại chùa Bằng – Linh Tiên Tự (quận Hoàng Mai, Hà Nội) diễn ra Pháp hội Dược Sư truyền thống 7 ngày lần thứ XIX, với sự tham dự của đông đảo nhân dân Phật tử thập phương.
Trong ngày tu tập thứ tư và thứ năm của Pháp hội (7 – 8/10/2024), ngoài các thời khóa tụng Kinh Dược Sư đầy trang nghiêm, đại chúng đã được đón nghe những thời pháp thoại vô cùng ý nghĩa đến từ chư vị Giảng sư Ban Hoằng pháp TW.
Trong ngày tu tập thứ tư, buổi sáng đại chúng đã thành kính chắp tay búp sen cung đón Đại đức Thích Tâm Quán – Ủy viên Ban Hoằng pháp TW GHPGVN quang lâm chia sẻ thời pháp thoại với chủ đề “Chất liệu Dược Sư trong mỗi chúng ta”.
Theo Đại đức Giảng sư, Trong Kinh Đức Phật Dược Sư đã phát ra 12 lời đại nguyện, tất cả những lời nguyện này đều mong muốn làm lợi ích, thành tựu cho tất cả chúng sinh. Trong 12 lời nguyện đó, Ngài dùng tất cả trí tuệ, phương tiện của mình để cứu giúp chúng sinh thoát khổ được vui.
Vì vậy, Đại đức mong muốn sau khi tham dự Pháp hội Dược Sư, người Phật tử cần nguyện học theo tấm gương, hạnh nguyện của Đức Dược Sư. Tập quán chiếu, đem lời nguyện của Ngài thành lời nguyện của mình, lấy hạnh phúc của người làm hạnh phúc của mình. Làm với tâm như thế, đi đâu ta cũng có hạnh phúc, an lạc, không còn gặp chướng ngại.
Đại đức nhấn mạnh giá trị của việc tu tập chính là “Để quay trở lại, nhìn nhận lại chính bản thân mình để sửa đổi mình trước. Mình sửa mình mới mong cho người khác thay đổi. Mình không sửa mà bắt người khác thay đổi là vô cùng khó… Khi gặp việc bất như ý, ta cần quán tưởng và trải tâm từ, dùng chất liệu tình thương yêu trị liệu tâm hơn thua trong chính bản thân mình. Là đệ tử của Phật, chúng ta chuyển hóa những điều tiêu cực trong tâm trí, để mình có niềm vui, an lạc trong cuộc sống. Hạnh phúc chính là nhìn thấy điều tích cực trong mọi trường hợp, không mong cầu mọi điều như ý, những phiền não đều được hóa giải, không còn âu lo. Với mọi chướng duyên, nghịch cảnh ta đều hóa giải một cách nhẹ nhàng như thế”.
Cũng theo Đại đức Giảng sư chia sẻ, tu tập nhằm chuyển hóa đời sống tâm thức của mỗi người, từ đó cuộc sống sẽ nhẹ nhàng và phúc báu tăng trưởng. Từ các việc làm giúp đỡ mọi người không mưu đồ tính toán, ta sẽ thành tựu công đức phúc lành. Chất liệu Dược sư trong mỗi người chính là tình thương, sự san sẻ với người có hoàn cảnh khó khăn. Cội phúc này sẽ giúp ta hóa giải hạn ách của mình. Người học Phật là để có cơ hội làm việc giúp đời, giúp người tạo phúc. Đời nay được thân người thì hãy biết vun trồng cội phúc, biết chia sẻ, cảm thông với nỗi khổ và mang niềm vui đến cho người. Đó là hạnh của Phật, của Bồ tát. Người học Phật muốn hành Bồ tát đạo, muốn đi trên con đường giải thoát luôn cần có niềm tin bất động về nhân quả, có chính kiến sâu sắc. Chính niềm tin này giúp ta thành tựu công đức phúc lành, hóa giải hạn ách, đạt đến an vui tự tại và giải thoát.
Đầu giờ chiều, Đại chúng tiếp tục lắng nghe thời pháp thoại về “Tư tưởng giáo dục trong Kinh Dược Sư’ của Sư cô Thích Nữ Phúc Tuệ – Ni sinh lớp đào tạo Giảng sư khu vực phía Bắc.
Mở đầu thời Pháp thoại, Sư cô đã nhắc lại lời chỉ dạy của Cố Đại lão Hòa thượng Đệ tam Pháp chủ GHPGVN dành cho hàng hậu lai, đó là “Giáo dục Phật giáo là giáo dục làm người và làm Phật”.
Sau khi giới thiệu sơ lược về Kinh Dược Sư cũng như ý nghĩa danh hiệu của Ngài, Sư cô đã chia sẻ về ý nghĩa của việc Giáo dục Phật giáo, cũng như tư tưởng Giáo dục Phật giáo trong Kinh Dược Sư.
Theo Sư cô Giảng sư, Đức Phật có rất nhiều phương pháp, tư tưởng, hình thức dạy dỗ, uốn nắn chúng sinh khai ngộ Phật tri kiến. Tư tưởng giáo dục trong kinh Dược Sư là những quan điểm, luận điểm của Đức Phật Dược Sư chỉ dạy cho chúng sinh biết được cách thức sự tướng, tức mượn hình tướng ở bên ngoài chữa bệnh thân vật lý, từ đó, nhờ đạo tràng thanh tịnh, nhận được sự gia trì của chư Phật mà chỉ dạy cho chúng sinh biết quay về soi chiếu nội tâm, chữa trị tâm bệnh của chính mình, đoạn trừ được phiền não, cuộc sống được an lạc.
Bằng những dẫn chứng cụ thể về Giáo dục tư tưởng nhận thức uy thần, tha lực, hạnh nguyện của Đức Phật Dược Sư cũng như phân tích về luật Nhân Quả, Sư cô Giảng sư đã cho hàng Phật tử hiểu được rằng “Đức Phật muốn chỉ dạy cho chúng sinh nhìn thấy mặt trái của mình, soi chiếu mặt tốt của người khác, gieo nhân thiện lành hái quả tốt để có phúc báu, sinh sang cõi nước của các Đức Phật. Hàng ngày, Phật tử hướng tâm về cõi nước Phật nào thì khi lâm chung sẽ được sinh sang cõi nước đó. Đức Phật Dược Sư chỉ dùng một phương pháp phương thuốc điều trị duy nhất với căn tính chúng sinh, đó là liều thuốc Pháp. Đức Phật chỉ ra liều thuốc Tứ Diệu Đế – Bốn sự thật nhiệm màu là chân lý chắc thật. Đức Phật chỉ thẳng cho chúng sinh thấy sự thật tự tính Phật Dược Sư, Nhật Quang Bồ tát, Nguyệt Quang Bồ tát có sẵn trong chính chúng ta, dù chúng ta đã quy y Tam Bảo hay chưa quy y. Đức Phật Dược Sư cũng không chỉ là một vị bác sĩ, không phải là vị bác sĩ tiêm, kê đơn, bắt mạch chữa bệnh bằng hình tướng; Mà với sự tu tập, Ngài đã cứu giúp cho chúng sinh chữa được bệnh thân và tâm bằng tình thương và hạnh nguyện của Ngài”.
Trong kinh Dược Sư cũng thể hiện rõ tinh thần giáo dục thực tiễn về sự bố thí – bình đẳng – hiếu đạo – đoàn kết – chăm sóc – yêu thương – khích lệ – động viên những người có hoàn cảnh khó khăn, cô đơn, hiểm nạn, bệnh tật nhiều, thiếu thốn tiền của. Đây chính là một tinh thần giáo dục tư tưởng Bồ tát đạo vô cùng tuyệt vời của Đức Phật Dược Sư chỉ dạy cho chúng sinh. Vì vậy, sau cùng, Sư cô Giảng sư sách tấn hàng Phật tử “cố gắng mỗi ngày hành trì và học theo hạnh nguyện của Đức Phật Dược Sư, hành Bồ tát đạo, nhận được nguồn năng lượng an lành, thân tâm an lạc, để trở thành các vị Phật trong tương lai”.
Bước sang ngày tu học thứ năm, trong buổi sáng đại chúng đã đón nghe thời pháp thoại ý nghĩa về “Hạnh từ bi” của Thượng tọa Thích Đức Thường – Ủy viên HĐTS, Ủy viên thường trực – Trưởng Ban pháp chế GHPGVN thành phố Hà Nội, Trưởng BTS GHPGVN huyện Thường Tín.
Mở đầu thời Pháp thoại, Thượng tọa chia sẻ “Bác sĩ ngoài thế gian có thể chữa được thân bệnh của chúng ta nhưng tâm bệnh thì rất khó. Hành giả đến pháp hội Dược Sư, tụng kinh Dược Sư để hiểu chân lý Phật dạy trong bộ Kinh. Thực hành được thì nghiệp tiêu, phiền não dứt đoạn, tâm an thì thân an. Tâm đã giác ngộ thì thấy bệnh không là gì cả, bởi lẽ thân này là giả huyễn, chẳng phải chân thật, có rồi cũng không.
Đạo tràng trì kinh Dược Sư, niệm danh hiệu Ngài, nhiếp tâm vào việc tu, tâm ta hòa với tâm Phật. Phật Dược Sư trong tâm chúng ta tỏ sáng. Từ đây, công đức được phát sinh ra, hành giả không còn bon chen, phiền não, khổ đau…nghiệp sẽ được tiêu trừ. Đây chính là pháp hội Dược Sư tu đúng pháp của chư Phật”.
Muốn đạt được ý nguyện tu hành và sự màu nhiệm của đạo Phật, ta phải có đức tính từ bi hỷ xả, tu hành thân khẩu ý. Công đức ở ngay trong mỗi người, do tu và thực hành mà có.
Tâm của Phật là tâm trong sáng, tâm từ bi vô điều kiện, thấy chúng sinh đều bình đẳng. Vì vậy, người Phật tử cần tu tập để nuôi lớn lòng từ bi và Phật tính. Lòng từ bi càng lớn thì từ trường càng lớn khiến những người xung quanh có thể cảm nhận được.
Người Phật tử tu là để báo đền tứ ân, xây dựng cõi Sa bà trở thành cõi Cực lạc. Hơn nữa, cần giữ tâm Bồ Đề kiên cố, sống và thực hành như lời Phật dạy. Sự từ bi của Đạo Phật có thể chuyển hóa muôn loài muôn vật. Từ là yêu quý chúng sinh, ban cho họ sự an vui. Bi là đồng cảm với đau khổ của hết thảy chúng sinh, xót thương và diệt trừ đi sự đau khổ của mọi người. Chính vì thế mới gọi là Từ bi. Lòng bi của Phật là trạng thái đồng tâm, đồng cảm, lấy sự khổ đau của chúng sinh làm sự khổ đau của chính mình, vì thế gọi là Đồng thể đại bi. Hơn nữa, lòng bi của Phật vô lượng, vô biên không hạn lượng.
Tâm từ không chỉ dừng ở đó, còn trải rộng theo tinh thần “Vô duyên đại từ”, lòng mang lại sự an vui không chỉ cho người thuận duyên mà còn cho kẻ nghịch duyên, không có giới hạn nhất định, không phân biệt chủng loại, và không mong cầu được đáp lại, lòng từ bi vô bờ bến, vô lượng hải hà.
Từ bi không chỉ là hạnh của Bồ tát, của chư Phật mà còn là nhân của sự giải thoát, giác ngộ. Từ bi là yếu chỉ của đạo Phật, là sứ mạng của đạo Phật để ban vui cứu khổ muôn loài chúng sinh còn đang chìm đắm trong sự u mê tăm tối.
Từ bi phải có trí tuệ. Từ bi là mảnh đất màu mỡ để trí tuệ được nảy sinh. Bởi lẽ, từ bi là tâm địa không toan tính mà tĩnh lặng của hành giả. Vì không toan tính nên không có vọng động, tâm hồn luôn trong sáng nên trí tuệ phát sinh. Trí tuệ trong đạo Phật không phải là sự hiểu biết đỉnh cao thông minh, nhạy bén các pháp ở thế gian, mà thấy được các pháp xuyên qua không gian thời gian mà không bao giờ mất đi. Trong đạo Phật ví trí tuệ như ánh mắt trời, dù vật gì được bọc kín, giấu kín bao phủ tầng tầng lớp lớp, thì trí tuệ từ bi của Phật thẩm thấu được vào trong đó.
Trí tuệ có Văn – Tư – Tu. Văn tuệ là nhân, thụ trì, chuyên đọc, truyền bá rốt ráo lời Phật dạy thành Kinh tạng để phát sinh trí tuệ, nương theo Văn tuệ để phát sinh Tư tuệ, nương vào Tư tuệ mà Tu. Đây là tiến trình đoạn trừ phiền não, chứng đắc Niết bàn, giống như nương vào hạt giống mà nảy mầm, từ mầm sinh ra thân, từ thân sinh ra cành ra lá, ra hoa, đơm bông kết trái thành quả.
Tinh thần từ bi là sự bao dung tha thứ. Nếu trong tâm mỗi người có đức tính từ bi thì sẽ không có oán thù, ghen ghét. Người con Phật nỗ lực thực hành lòng từ bi để đem lại sự hòa bình, an vui, chuyển hóa nhân sinh. Từ bi là cách hóa giải của chiến tranh. Từ bi không có sự sân hận và đố kỵ trong cuộc sống dẫn đến những mâu thuẫn, bạo động. Từ bi là sự cảm phục của cái ác. Lòng từ bi là lòng nhân hòa, luôn hướng thiện, không toan tính, mang đến niềm vui hạnh phúc cho nhân loại, cho loài người. Từ bi là sự hoàn thiện cho bản thân và cải thiện xã hội.
Theo Thượng tọa, tính từ bi có sẵn ở trong mỗi người. Người Phật tử cần nuôi dưỡng đức tính đó lớn lên để Phật tính cũng nở rộ, mang lại an vui hạnh phúc cho cộng đồng. Đức Phật dạy, trong mỗi chúng sinh đều có đầy đủ thiện tâm Phật tính, đều chứa những hạt giống thiện tùy theo lựa chọn mà hạt giống đó lớn lên. Nếu biết tu theo hạnh từ bi của Đức Phật thì những hạt giống xấu không có đất để nảy mầm, tồn tại.
“Đức Phật Dược Sư có hạnh nguyện xóa khổ đau trong tâm thức của chúng sinh. Chúng ta trì tụng Kinh Dược Sư để xóa đi, làm lành vết thương trong tâm hồn mỗi người, tỏa sáng đức tính từ bi để chuyển hóa cho nhân loại. Tâm từ bi giúp chúng ta có lòng yêu thương, sự cảm thông, vị tha, bao dung độ lượng, sự nhẫn nại, tôn trọng, yêu mến cũng là sự bình an trong cuộc sống, trong chính tâm hồn của chúng ta. Khi một người có tâm từ bi, cả nhân loại có tâm từ bi thì chúng ta xây dựng một cộng đồng, thế giới đều có tâm từ. Lúc đó, xã hội không còn trộm cắp, chiến tranh, khủng bố, hãm hại nhau, gây sự đau thương cho nhau…mà con người sống bằng sự yêu thương, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau. Khi ấy, cõi Sa bà khổ đau của chúng ta sẽ là cõi Tịnh độ, nơi đây có lòng tốt và sự yêu thương lẫn nhau” – Thượng tọa sách tấn đại chúng.
Buổi chiều cùng ngày, Đại đức Giảng sư Thích Minh Tâm thuộc Lớp đào tạo Giảng sư khu vực phía Bắc đã quang lâm pháp tòa và thuyết giảng cho hàng Phật tử hiểu về “Công đức trì tụng danh hiệu Đức Phật Dược Sư”.
Mở đầu thời pháp, Đại đức Giảng sư nhắc lại lời dạy của Lục Tổ Huệ Năng trong Kinh Pháp Bảo Đàn “Để có được công đức vô lậu xuất thế gian là không chấp vào việc mình làm, không chấp vào việc ta đã làm. Từ đó trí tuệ không dính mắc”.
Đức Phật là một bậc đại y vương, thân tâm thuần tịnh trong sáng, hào quang chiếu khắp chúng sinh, tùy theo căn cơ của chúng sinh mà cho thuốc để chữa tam độc tham – sân – si.
Nhờ sự trì niệm, tịnh tín đó mà hành giả tu tập, xây dựng niềm tin với Đức Phật Dược Sư, có thang thuốc Tam vô lậu học.
Hành trì lễ niệm công phu, nghe quý Thầy giảng pháp, thân không làm điều ác, khẩu không nói điều xấu, ý không vọng tưởng là thành tựu được Giới. Giới cũng tạo công đức. Khi giới đức trọn vẹn, thân yên, tâm an thì định phát. Nhờ định phát thì có tuệ, ánh sáng của từ bi, lòng bao dung, sự khiêm nhường, hoan hỷ. Nhờ ánh sáng đó mà đạo tràng của ta thuần tịnh.
Đại đức Giảng sư chia sẻ “Trong cuộc sống, mỗi người là những Phật tử thuần thành, nhờ trì Giới – định – tuệ mà bản thân an lành, gia đình bình an. Nhờ hiểu danh hiệu Đức Phật Dược Sư, tâm không tham, sân si không nổi lên trước những nghịch cảnh. Đó chính là có trí tuệ. Nương nhờ vào Pháp hội, nương nhờ lực của Pháp hội Dược Sư mà tâm được thuần khiết”.
Qua đó, Đại đức chia sẻ 4 cách trì tụng mang lại công đức, đó là Trì danh hiệu Phật – Quán tưởng Phật – Quán tượng Phật – Thực tướng niệm Phật. Từ đó, sẽ có năm công đức nhờ việc trì niệm danh hiệu Đức Phật Dược Sư, đó là Diệt được lòng tham; Diệt được sự phạm tội; Diệt được sự ganh ghét; Diệt được sự mưu hại làm căn bản sinh về cõi Tịnh độ.
Từ đây, thân tâm hành giả được thanh tịnh. Phát sinh Giới – định – tuệ. Nghiệp chướng tiêu trừ, thân tâm an lạc, gia đình hạnh phúc. Đây cũng là tha lực của chư Phật. Khi ta hiểu tha lực, nguyện lực của Đức Phật Dược Sư, ta phát nguyện, thực hành, Đức Phật Dược Sư sẽ đón và gia hộ cho chúng ta. Đó cũng là lòng thương tưởng của các Ngài đối với chúng sinh.
Các cõi tịnh là do công đức và hạnh nguyện của các Đức Phật mà thành. Trước khi khép lại bài giảng, Đại đức Giảng sư mong rằng các Phật tử cần có tâm bồ đề kiên cố, tin sâu vào Tam Bảo, Trì niệm niêm mật tẩy trừ ba nghiệp tham – sân – si. Bên cạnh đó, hành lục độ: Bố thí – trì giới – nhẫn nhục – tinh tiến – thiền định – trí tuệ. Bởi Trí tuệ là con đường cuối cùng dẫn đến con đường giải thoát.
Diệu Tường – Ban TTTT Đạo tràng Pháp Hoa Miền Bắc