Trung ương GHPGVN kính mừng Đại lễ Phật đản PL.2569 – DL.2025 tại chùa Quán Sứ

Sáng ngày 12/5/2025 (nhằm ngày Rằm tháng Tư năm Ất Tỵ), tại Trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam – chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội, Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự GHPGVN đã long trọng cử hành Đại lễ Phật đản PL.2569 – DL.2025, trong niềm hân hoan, thành kính của Tăng Ni, Phật tử cả nước.

Đại lễ năm nay diễn ra trong bối cảnh thiêng liêng và đầy ý nghĩa: cả nước hân hoan kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước (1975–2025), hướng tới 80 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1945–2025), và đặc biệt là sau thành công rực rỡ của Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 do GHPGVN đăng cai tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 6–8/5/2025. Sự kiện cũng là dịp để toàn dân tộc cùng tưởng nhớ và tri ân 135 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (1890–2025) – vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, người luôn dành trọn niềm tin và sự trân trọng đối với giá trị đạo lý, tinh thần đoàn kết tôn giáo, trong đó có Phật giáo Việt Nam.

Trong không khí linh thiêng ấy, lễ Phật đản không chỉ là dịp tưởng niệm ngày Đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni thị hiện nơi đời, mà còn là biểu tượng cho tinh thần nhập thế của đạo Phật – gắn bó cùng dân tộc, đồng hành cùng nhân loại – đem ánh sáng trí tuệ và từ bi soi đường cho cuộc sống hiện tại, góp phần dựng xây một xã hội văn minh, hòa bình và bền vững.

Tham dự và chứng minh buổi lễ có Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Ủy viên Thường trực HĐCM GHPGVN, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN; chư Tôn đức Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN: Hoà thượng Thích Gia Quang, Hoà thượng Thích Quảng Hà, Hoà thượng Thích Thanh Quyết; Hoà thượng Thích Thanh Chính – Uỷ viên Thường trực HĐTS GHPGVN, Phó trưởng Ban thường trực BTS GHPGVN Tp Hà Nội; Thượng toạ Thích Đức Thiện – Phó chủ tịch, Tổng thư ký HĐTS GHPGVN; Thượng toạ Thích Thanh Tuấn – Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh VP 1 TƯ GHPGVN cùng Chư Tôn đức HĐTS GHPGVN, Lãnh đạo các Ban, Viện Trung ương; Chư tôn đức Lãnh đạo BTSPG các tỉnh, thành phố cùng về tham dự.

Về phía đại biểu tham dự có Bà Nguyễn Lan Hương – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN thành phố Hà Nội; Ông Vũ Hải Quang – Phó Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Thanh – Trưởng ban Tôn giáo, Dân tộc và kiều bào Ủy ban TW MTTQVN; Ông Nguyễn Hữu Thiên – Phó Cục trưởng Cục An Ninh Nội địa Bộ Công an; Bà Nguyễn Diệu Thúy – Phó Trưởng phòng Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ – Bộ Dân tộc và Tôn giáo; Ông Nguyễn Nguyên Quân – Phó Giám đốc phụ trách Sở Dân tộc và Tôn giáo Tp Hà Nội cùng quý vị các Ban Bộ ngành Trung ương và Tp Hà Nội, cùng đông đảo nhân dân Phật tử về tham dự.

Tại buổi lễ trọng thể, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN – đã cung tuyên Thông điệp Phật đản PL.2569 – DL.2025 của Đức Pháp Chủ GHPGVN – Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng gửi đến toàn thể Tăng Ni, cư sĩ Phật tử trong và ngoài nước.

Trong thông điệp thiêng liêng và đầy trí tuệ ấy, Đức Pháp Chủ nhấn mạnh: đoàn kết (Sammagga) và bao dung (Khanti) chính là nền tảng vững chắc của lòng từ bi và trí tuệ – là chìa khóa mở ra cánh cửa hạnh phúc, hòa bình và sự phát triển bền vững cho cộng đồng và nhân loại. Phật giáo luôn đề cao tinh thần bao dung, nhẫn nhục, tha thứ và cảm thông, thay vì phán xét hay oán trách. Đoàn kết và bao dung vì thế không chỉ là giáo lý đạo đức, mà còn là kim chỉ nam cho hành động, là phương pháp thiết thực để góp phần kiến tạo một xã hội an hòa, biết yêu thương và sẻ chia.

Tiếp đó, Hòa thượng Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN – đã đọc Diễn văn Phật đản PL.2569 – DL.2025. Bài diễn văn làm nổi bật Chủ đề của Đại lễ Vesak năm nay: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững.”

Thông điệp ấy mang tính thời đại và khẩn thiết, khi nhân loại đang đối mặt với nhiều thách thức về đạo đức, xung đột, và môi trường. Phật giáo khẳng định: hòa bình là con đường duy nhất để đạt được hòa bình, và điều đó chỉ có thể thành tựu khi chúng ta biết trân trọng nhân phẩm, nuôi dưỡng lòng từ bi, và vượt qua mọi dị biệt bằng tâm bao dung. Tinh thần ấy cũng cộng hưởng với những nguyên tắc cốt lõi của Liên Hợp Quốc: xây dựng một thế giới dựa trên lòng nhân ái, công bằng và sự tôn trọng lẫn nhau.

Khép lại chương trình Đại lễ, chư Tôn đức cùng quý đại biểu và Phật tử trang nghiêm cử hành các nghi lễ truyền thống: niêm hương bạch Phật, tụng kinh Khánh Đản và cử hành nghi thức tắm Phật – biểu tượng thiêng liêng của sự thanh lọc thân – khẩu – ý, khơi dậy tâm Bồ-đề nơi mỗi người con Phật, nguyện tiếp bước trên con đường tỉnh thức và phụng sự.

Cẩm Vân – Diệu Tường – Minh Trực

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *