28 Giới tử tại Đại giới đàn Nghệ Tĩnh hành sám trước khi thụ giới chính thức

Đại giới đàn Nghệ Tĩnh lần thứ VII, Phật lịch 2569 – Dương lịch 2025 do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh phối hợp tổ chức diễn ra tại Tùng Lâm Diệc Cổ (TP Vinh, Tỉnh Nghệ An) – Trụ sở Ban Trị sự GHPGVN tỉnh từ ngày 23/5 đến 25/5/2025 (nhằm ngày 26 – 28/04 năm Ất Tỵ). Giới đàn Nghệ Tĩnh lần này có 28 Giới tử cầu thụ giới pháp, trong đó có 14 Giới tử Tỳ-kheo và 14 Giới tử Sa-di. 

Trước đó, từ ngày 23 – 24/5/2025 (nhằm ngày 26 – 27/04 năm Ất Tỵ), 28 Giới tử đã vân tập về đây để ổn định nơi ở, nghe phổ biến nội quy Đàn giới. Trong khoảng thời gian này, các Giới tử phải học tập các nghi thức, nghe giáo giới và thực hành lễ sám cho thân tâm thanh tịnh trước khi thụ giới chính thức.

Chiều ngày 24/5, các Giới tử đã lắng nghe thời pháp thoại giáo giới của Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban thường trực Ban Hoằng pháp TW, Phó trưởng Ban thường trực BTS GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh, nói lên ý nghĩa việc xuất gia tu học của một người tu sĩ.

Tại đây, Thượng tọa đã nhấn mạnh vai trò của người xuất gia “Trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sinh”, đồng thời hướng dẫn Giới tử những phép tắc, oai nghi cần thiết trước khi tấn đàn, đồng thời mong rằng sau khi lĩnh thụ giới pháp, các Giới tử phải cố gắng tinh tiến trau dồi nỗ lực từng ngày, để không phí công chư vị Thập sư truyền giới, không uổng nhân duyên được gặp Phật, tu theo Phật và thay Phật tuyên dương chính pháp.

Trước khi bước vào lễ truyền giới chính thức, vào 19h30 tối ngày 24/05 (nhằm ngày 26/04 Ất Tỵ), dưới sự chứng minh của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nghệ An; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh; Hòa thượng Thích Quảng Hà – Phó chủ tịch HĐTS TƯ GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Nam Định; tại Đại hùng bảo điện, tất cả các vị nghiệp sư của các Giới tử đã ra đỉnh lễ, cầu thỉnh Hội đồng Giới sư. Kế đó, các Giới tử cầu thụ giới Tỳ kheo và Sa-Di cũng đã đỉnh lễ, cầu thỉnh Hội đồng Giới sư.

Đáp lời cầu thỉnh, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu đã tán thán 27 Giới tử đã vượt qua khảo hạch: “Được làm thân người đã khó. Mà được gặp đúng thầy, được đi tu học lại càng khó hơn. Phải hội đủ nhân duyên thì chúng ta mới được đi tu, đi học, gặp được những vị cao Tăng làm thầy nghiệp sư cho chúng ta. Các giới tử hãy giữ thân tâm thật trong sạch cho đến khi thụ đắc giới của mình”. 

Sau đó là nghi thức cung an chức sự. Ban Tổ chức Đại giới đàn Nghệ Tĩnh lần thứ VII này cung thỉnh Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nghệ An ứng ngôi Đàn đầu Hòa thượng; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh ứng ngôi Yết-Ma A-Xà-Lê; Hòa thượng Thích Thọ Lạc – Trưởng ban Văn hóa T.Ư, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nghệ An ứng ngôi Giáo thụ A-Xà-Lê cùng 7 vị tôn chứng Tăng-già.

Từ năm 2013, Đại giới đàn Nghệ Tĩnh do BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An và BTS GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp tổ chức luân phiên hai năm một lần. Theo chương trình, ngày 25/05/2025 (nhằm ngày 28/04 năm Ất Tỵ), Hội đồng Giới sư sẽ quang lâm đăng đàn truyền giới cho các Giới tử tại chùa Diệc – Trụ sở Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nghệ An.

Sau khi các nghi thức lễ cầu thỉnh đã xong, chư tôn đức Hội đồng Giới sư cùng quý tôn đức nghiệp sư và các Giới tử đã quang lâm chính điện niêm hương bạch Phật, yết Tổ.

Trong không gian trang nghiêm, 28 Giới tử đã tập trung lắng nghe lời giáo giới đầy ý nghĩa và sâu sắc của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm. Trong bài giảng, Hòa thượng đã chia sẻ về tầm quan trọng của Giới luật, và nhấn mạnh “Nơi nào giới luật được nghiêm trì thì nơi đó có Phật hiện thân, nơi nào giáo pháp Phật được tuyên dương, giới luật của Phật được nghiêm trì thì nơi đó Phật pháp được hưng thịnh”. Bởi lẽ đó nên chư Tổ đã dạy người xuất gia phải “Thiệu long Thánh chủng”, hay nói cách khác là tiếp dẫn Hậu Lai để báo ân Đức Phật. Từ ngày Đức Thế Tôn nhập Đại bát Niết Bàn nơi rừng Sa La cho tới giờ phút này, Phật pháp vẫn được lan truyền khắp năm châu bốn biển là nhờ công hoằng truyền của các bậc Tổ sư, các bậc tiền bối đã truyền trì mạng mạch, tiếp dẫn hậu lai để Phật pháp được trường tồn mãi mãi. 

Vì vậy, điều đầu tiên, Hòa thượng mong những vị Tân Tỷ Khiêu, Tân Sa Di phải an trú trong chính pháp, tập trung vào những ngày hành sám để sám hối tiêu trừ nghiệp chướng, thanh tịnh thân tâm trước khi thụ nhận Giới pháp.

Ngoài việc hướng dẫn các Giới tử về nghi thức trước khi đăng đàn thụ giới, điều thứ hai, Hòa thượng sách tấn các Giới tử khi chính thức trở thành những vị Tỷ khiêu, Sa di, thì “phàm là người xuất gia, thân và tâm đều phải khác thế tục”, sống có đức hạnh của người xuất gia, phải trau dồi Giới – Định – Tuệ, lấy giới luật làm Thầy. Điều thứ ba mà Hòa thượng dạy dỗ, chính là việc Đạo Phật từ trước tới nay luôn lấy trí tuệ làm sự nghiệp, vì vậy người xuất gia phải cố gắng học tập, nghiên cứu kinh điển, thông hiểu giáo pháp. Đặc biệt, đối với người xuất gia, đức hạnh là điều quan trọng, hãy khiêm cung, lễ độ, cần cầu giáo pháp, đó chính là điều thứ tư mà Hòa thượng sách tấn các Giới tử.

Suốt hành trình tu tập và hóa độ chúng sinh, Hòa thượng luôn lấy sáu chữ “Thành kính – Chân thật – Tận tâm” làm phương châm sống đạo và hành đạo. “Thành kính” là lòng tôn kính sâu sắc đối với Tam Bảo, chư Tổ và bậc trưởng thượng, được thể hiện qua từng hành vi, lời nói và sự lễ độ trong đời sống thường nhật. “Chân thật” là sự ngay thẳng, không dối mình, không dối người, sống đúng với tâm nguyện ban đầu khi bước vào cửa thiền. “Tận tâm” là sự hết lòng, dốc sức trong mọi việc, không nề hà gian khó, vì lợi ích của đại chúng và Phật pháp. Hòa thượng chia sẻ: “Chết hôm nay mà làm được việc còn hơn sống mà không làm được việc” – một lời dạy thể hiện tinh thần vô úy và cống hiến không mỏi mệt.

Không những thế, Hòa thượng còn tiếp tục dạy các Giới tử về điều thứ năm mà Ngài muốn gửi gắm, đó là sự trân trọng kỷ vật và đạo tình: từ những dòng chữ được thầy tổ dạy khi mới cạo tóc xuất gia, đến cuốn sổ nhỏ lưu lại từng bước trưởng thành, từng bài học, từng dấu ấn trong đời, tất cả đều được Hòa thượng giữ gìn suốt hơn 50 năm như báu vật. Những kỷ vật ấy không chỉ đơn thuần là vật chất mà còn là dấu ấn đạo tâm, là hành trang để nhắc nhở người tu không quên nguồn cội và công ơn thầy tổ. Từ đây, Hòa thượng cũng nhấn mạnh “Người xuất gia không được rời xa tấm y, bình bát, là tài sản duy nhất và cũng là cao quý nhất”. Một điều tâm huyết nữa là sự nhấn mạnh đến ý nghĩa trọng đại của ngày thụ giới. Hòa thượng ví đây là một mốc son chuyển hóa của người xuất gia với con đường giải thoát, từ bỏ đời sống thế tục để bước vào phạm hạnh. Chính vì thế, mọi nghi thức, y áo đều phải được chuẩn bị chu đáo. Hòa thượng đích thân chỉ dạy các Giới tử cách gấp áo tràng và y hậu đúng cách: từ việc phân biệt mặt phải – mặt trái, đến ý nghĩa từng y áo. Từng thao tác, từng nếp gấp đều là biểu hiện của chính niệm, của giới luật, và của lòng cung kính đối với pháp phục và đạo hạnh.

Điều cuối cùng, Hòa thượng nhấn mạnh tới việc gìn giữ và tiếp nối di sản Phật giáo – không để chùa chiền chỉ còn là “bảo tàng” mà phải là nơi nuôi dưỡng văn hóa, truyền thống sống động, thấm đẫm tinh thần tu học, trong đó giới tử là người được tiếp lửa và mang lửa đi xa.

Khép lại thời giáo giới, với tất cả tâm huyết của mình, Hòa thượng chia sẻ 6 điều trên với mong muốn các Giới tử ghi nhớ để làm hành trang trên bước đường tu học hành đạo, phổ độ nhân sinh.

Diễm My – Nam Nguyễn – Phật Sự Thủ Đô

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *