Biết ơn và tri ân cha mẹ là lẽ sống từ ngàn đời của người Việt. Điều này cũng thấy rõ nét khi tìm hiểu về Phật giáo. Hằng năm, vào Rằm tháng 7 Âm lịch, các ngôi thiền tự lại tổ chức lễ Vu Lan. Đây là một trong những lễ hội truyền thống nổi tiếng của cộng đồng Phật giáo.
Theo kinh Vu Lan Bồn, chữ “Vu Lan” mà người Việt thường gọi là cách nói ngắn gọn của cụm từ “Vu Lan Bồn” – Trong tiếng Phạn đọc là Ullambana. “Ullam” được hiểu là “treo ngược”/ đảo huyền và “bana” nghĩa là “cứu giúp”. Như vậy, sự kiện Phật giáo này được tổ chức với ý nghĩa giải thoát các vong hồn của người bị tội, giúp họ thoát khỏi sự đày đọa, khổ cùng khi bị treo ngược nơi địa ngục
Truyền thuyết Phật giáo Đại thừa cho biết, khi tu thành chính quả, Mục Kiền Liên đã dùng tuệ nhãn tìm kiếm bậc sinh thành để báo hiếu. Khi nhìn xuống cõi âm, thấy mẹ mình đang mắc kẹt trong cõi ngạ quỷ và bị hành hạ khổ sở. Thân mẫu Mục Kiền Liên không thể ăn được cơm do Ngài mang đến:
“Cơm đưa chưa đến miệng đà,
Hóa thành than lửa nuốt mà đặng đâu. Thấy như vậy âu sầu thê thảm,
Mục Kiền Liên bi cảm xót thương”
Để giúp mẹ thoát khỏi cảnh đó, Mục Kiền Liên cần thiết phải nhờ đến sự hợp lực của các vị chư tăng mười phương. Sự chú nguyện của nhiều tu sĩ sẽ giúp hồi hướng công đức để tiêu trừ nghiệp ác, như vậy mới có hy vọng giải thoát được cho thân mẫu của đệ tử. “Đức Phật dạy ngài (Mục Kiền Liên – TG) muốn cứu vớt mẹ phải đến ngày Rằm tháng Bảy, khi có đủ chư tăng đại đức hội về làm tiệc mà cúng Phật và khoản đãi chư tăng. Dựa vào sức lành của các Ngài mà siêu độ được vong linh, làm cho cha mẹ bà con hiện còn sống được thêm phúc đức ”.
Lễ Vu Lan đã ra đời theo truyền thuyết như thế, được lưu truyền và bổ tích sự phong phú trên các phương diện đạo hiếu. Cha mẹ luôn là ngọn lửa linh thiêng bất diệt trong trái tim của những người con hiếu đạo. Lễ Vu Lan báo hiếu không chỉ là nét đẹp của Phật giáo mà còn là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt. Kinh Tăng Chi bộ có dạy: Cha mẹ được ví như những ngọn lửa đáng cung kính, vì chính người cha, người mẹ đã đem lại sự sống cho các người con, như ngọn lửa đem lại nguồn nóng, sức sống cho loài người. Đến chùa trong dịp lễ Vu Lan, sau khi được nghe các sư giảng nhiều bài pháp về luân hồi, chuyển kiếp theo quan niệm Phật giáo, các phật tử và những người mến mộ đạo Phật sẽ tự chiêm nghiệm, tự kiểm chứng và hoàn thiện thêm cách sống của mình. Để rõ hơn về ý nghĩa của ngày lễ Phật giáo này, chúng tôi tìm gặp Hòa thượng Thích Huệ Thông. Nhà sư trụ trì chùa Hội Khánh (Bình Dương) cho chúng tôi biết: “Vu Lan mang nhiều ý nghĩa tích cực, không những giúp cho người đã quá vãng có cơ hội được thoát khỏi cảnh khổ, mà còn giúp cho người sống thấy được nhân quả để hướng thiện và làm lợi ích cho xã hội”. Đồng thời, trong dịp lễ Vu Lan và mùa an cư, đạo hạnh và giới luật của những tu sĩ Phật giáo cũng được tăng trưởng và điều này tạo nền tảng cho Phật pháp hưng thịnh. Sau kỳ an cư kiết hạ là thời gian hoan hỷ của hàng Tăng chúng trong tinh thần ngày “Tự tứ” (Tiếng Phạn là Pràvaràna – nghĩa là “Sự thỉnh mời”).
Nổi bật trong các nghi thức ngày Vu Lan là nghi lễ “Bông hồng cài áo”. Trong những dịp khảo sát thực tế tại nhiều chùa Phật, chúng tôi đã nhận về câu trả lời giống nhau khi hỏi về nguồn gốc của nét văn hóa này. Theo đó, việc hoa hồng được chọn trong dịp lễ Vu Lan là bởi chúng biểu tượng cho lòng biết ơn, sự hiếu thảo và mong muốn được tri ân của người con với bậc sinh thành – dù họ còn sống hay đã khuất. Bên cạnh đó, hoa hồng còn là biểu trưng cho tình yêu chân thành, cao quý, mãi mãi không đổi thay.
Người tham dự nghi thức sẽ lựa chọn màu hoa phù hợp với mình trong ba giỏ hoa (hồng/ đỏ, trắng, vàng) để cài lên áo. Ai còn cha mẹ thì sẽ lựa chọn một đóa hoa hồng màu đỏ/hồng để vinh danh những bậc thân sinh; đóa hoa hồng màu trắng được cài lên ngực áo những người không còn cha mẹ để ưởng nhớ công ơn dưỡng dục của họ. “Trong vô số công hạnh bồ tát thì hạnh hiếu là trên hết. Cha mẹ được ví như Bồ tát nhất sinh Bổ xứ của cuộc đời mỗi con người” – Giảng sư Học viện Phật giáo Việt Nam Thích nữ Hương Nhũ phân tích cho chúng tôi nghe. Bông hồng cài áo còn là lời hứa sống tốt, ngay thẳng, trung thực của những người con dành cho cha mẹ.
Hoa hồng vàng là sắc hoa đặc biệt trong lễ Vu Lan và đây được coi là màu biểu tượng cho sự giải thoát hay thoát tục. Có thể hiểu, bông hoa hồng vàng cài trên ngực áo của các nhà sư ngày lễ Phật giáo này mang ý nghĩa là sự báo hiếu hay báo ân rộng lớn đến tất cả chúng sinh. Với hạnh nguyện “Trên cầu giải thoát, dưới cứu độ chúng sinh”, nên khi đạt đến sự giác ngộ là cách báo ân tuyệt diệu nhất đối với họ, bởi đó không chỉ là sự báo hiếu cho cha mẹ hiện đời mà còn là báo hiếu cho thân mẫu của họ ở nhiều đời khác. Mùa Vu Lan này, chúng tôi vinh dự được tham gia khóa lễ tại ngôi cổ tự ở phương Nam. Nhà sư trụ trì đã cho chúng tôi biết: “Người tu sĩ còn có cha mẹ rộng hơn, lớn hơn, cao cả hơn. Đó là tất cả chúng sinh, vì thế cài bông hồng vàng để tỏ rõ lý tưởng cao quý này”. Trong không gian thiêng liêng của ngày lễ báo hiếu, đóa hồng vàng như nhắc nhở các bậc xuất sĩ Phật giáo về trọng trách đặc biệt của họ trong hành trình đưa con người xa rời điều ác, nhận thức và thực hành cái thiện.
Theo thời gian, hình ảnh những đóa hồng trong ngày lễ Vu Lan đã trở thành biểu tượng gửi gắm nhiều ý niệm đẹp đẽ, đậm tính nhân văn. “Bông hồng cài áo” cùng các nghi thức khác đã góp phần xây dựng nên một biểu tượng mới giàu ý nghĩa, gây xúc động lớn trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam nói riêng và trong đời sống văn hóa của người Việt nói chung. Sự kiện này không chỉ lắng đọng những điều tốt đẹp trong tâm hồn mỗi người tham dự lễ Vu Lan, mà còn có sức lan tỏa rất lớn, gây ấn tượng sâu sắc đối với toàn xã hội.
Nguồn: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/