Sáng ngày 27/4/2025 (nhằm ngày 30 tháng 3 năm Ất Tỵ), tại Trụ sở Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tuyên Quang, chùa Phú Lâm, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tuyên Quang long trọng tổ chức trọng thể Đại lễ Kính mừng Đức Phật đản sinh PL.2569 DL.2025 và khánh thành chùa Phú Lâm, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam.
Tham dự và chứng minh buổi lễ có Trưởng lão Trưởng lão Hoà thượng Thích Thiện Pháp – Uỷ viên thường trực HĐCM, Phó chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN; Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Uỷ viên thường trực HĐCM, Phó chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN; cùng Chư Tôn đức Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN: Hòa thượng Thích Gia Quang, Trưởng Ban TTTT TƯ GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tuyên Quang, Trụ trì Phú Lâm, Trưởng Ban tổ chức, Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm, Trưởng Ban Hoằng pháp TƯ, Trưởng BTS GHPGVN Tp Hà Nội; Hoà thượng Thích Quảng Tùng, Trưởng Ban Từ thiện TƯ; Hoà thượng Thích Thanh Quyết, Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni TƯ cùng Chư tôn đức Ban TT HĐTS GHPGVN, Chư tôn đức Lãnh đạo Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tuyên Quang, Chư tôn thiền đức Tăng Ni các tỉnh thành cùng về tham dự.
Về phía chính quyền tham dự có Ông Trịnh Minh Đại, Vụ trưởng Vụ dân tộc Tôn giáo – Ban Tôn giáo dân vận TƯ; Đại tá Nguyễn Hữu Thiên, Cục phó cục A02 Bộ Công an; ông Đào Huy Cường, Phó trưởng phòng Phật giáo Bộ Dân tộc – Tôn giáo; ông Hoàng Việt Phương, Uỷ viên ban chấp hành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, Bà Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội; ông Nguyễn Hữu Hoan, Nguyên phó bí thư Thường trực tỉnh uỷ tỉnh Tuyên Quang; ông Phạm Quốc Chương, Phó bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND Tp Tuyên Quang; ông Nguyễn Văn Nam, Tỉnh uỷ viên Bí thư quận uỷ Hai Bà Trưng Hà Nội cùng các lãnh đạo các sở Ban ngành tỉnh Tuyên Quang cùng về tham dự.
Trưởng lão Hoà thượng Thích Thiện Pháp – Uỷ viên thường trực HĐCM, Phó chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN tuyên đọc Thông điệp của Đức Pháp chủ GHPGVN, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Thông điệp của Đức Pháp chủ GHPGVN đã nhắc nhở chúng ta về triết lý đoàn kết và bao dung:“Trong giáo lý của Phật giáo, triết lý đoàn kết và bao dung là hai yếu tố cốt lõi thể hiện tinh thần từ bi, trí tuệ và hướng đến hạnh phúc an lạc chung của cộng đồng, sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc. Đoàn kết – Sammagga được xem là nền tảng trong sự phát triển và tồn tại của cộng đồng nhân loại. Trong kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikaya), Đức Phật dạy rằng một tập thể đoàn kết, không chia rẽ, biết lắng nghe và hành động trên tinh thần đồng thuận thì sẽ trường tồn và thịnh vượng. Giáo hội chúng ta và cộng đồng Phật giáo thế giới được xây dựng trên nguyên tắc sống lục hòa tạo nên một tập thể tăng đoàn thanh tịnh, một cộng đồng sống an vui và vững mạnh.Bao dung – Ksanti hay Khanti là nhẫn nhục, tha thứ, là một biểu hiện của từ bi và trí tuệ. Phật giáo không cổ súy sự phán xét hay thù hận, mà khuyên răn con người biết tha thứ, cảm thông, thấu hiểu người khác, ngay cả khi họ sai lầm. Kinh Pháp cú số 5 dạy rằng “Lấy hận thù diệt hận thù, đời này không thể có. Lấy tình thương diệt hận thù, là điều muôn thuở đúng”.Đoàn kết và bao dung không chỉ là học thuyết đạo đức Phật giáo, mà còn mãi là kim chỉ nam cho những suy nghĩ, lời nói, và hành động của con người để xây dựng xã hội an hòa, ít xung đột, tràn ngập thương yêu.”
Hoà thượng Thích Gia Quang – Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban TTTT TƯ – Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tuyên Quang tuyên đọc Diễn văn Phật đản PL.2569 – DL.2025 của Hòa thượng Chủ tịch HĐTS GHPGVN. Bài diễn văn đã nhấn mạnh “Là quốc gia có truyền thống Phật giáo lâu đời và gắn bó mật thiết với tiến trình xây dựng, phát triển đất nước, Việt Nam vinh dự được tổ chức Đại lễ Vesak 2025 trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm đại thắng lịch sử mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước. Nhìn lại chặng đường lịch sử đó, Phật giáo Việt Nam tự hào đã góp phần vào chiến thắng hào hùng của dân tộc, góp phần làm nên bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam với ngọn lửa trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức và biết bao các thế hệ Tăng Ni, Phật tử đã dấn thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chặng đường lịch sử hào hùng 50 năm qua cho chúng ta thấy rõ con đường phát triển mà dân tộc Việt Nam đang đi là con đường của sự đoàn kết, của sự bao dung và của một xã hội mà mỗi người đều được sống trong hòa bình, hạnh phúc và an lạc. Con đường đó đang đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phát triển phồn vinh, thịnh vượng.”
Tại buổi lễ Đại đức Thích Thanh Tâm – Phó trưởng ban kiêm Chánh thư ký báo cáo tóm tắt lịch sử và quá trình xây dựng chùa Phú Lâm. Chùa Phú Lâm được xây dựng trong khoảng thế kỷ XIII – XIV và là một trong bảy di tích cổ có niên đại thời Trần tại tỉnh Tuyên Quang. “Phú Lâm” là tên địa danh của vùng đất, tên hiệu Chùa là Quang Sơn Tự, toạ trên đồi chè thuộc Nông trường Tháng Mười, tại xã Phú Lâm (nay là phường Mỹ Lâm), thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Chùa là một trong những di tích quan trọng phản ánh sự hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam.Chùa bị tàn phá cuối thế kỷ XIX và được nhân dân dựng lại đầu thế kỷ XX. Đến năm 1960 chùa bị phá dỡ khi khai hoang, chỉ còn lại nền chùa cổ. ký ức về một ngôi chùa cổ kính linh thiêng vẫn được gìn giữ qua nhiều thế hệ.Năm 2005, chùa được khoanh vùng bảo vệ, năm 2016 chùa được xếp hạng di tích khảo cổ cấp tỉnh. Năm 2017, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết để phục dựng chùa theo kiến trúc truyền thống. Sau hơn bốn năm xây dựng, chùa đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, bao gồm nhiều hạng mục kiến trúc Phật giáo miền Bắc và thờ tự tín ngưỡng dân gian.
Công trình thờ tự tại chùa bao gồm cả hệ thống Tam Bảo (thờ Phật), Nhà Tổ (thờ các vị sư tổ Thiền phái Trúc Lâm), Nhà Mẫu (thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng các vị thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu) với nhiều giá trị nghệ thuật thông qua các công trình kiến trúc như Tam Quan, Tam Bảo, Liên Hoa Đài Chùa Một Cột, Vườn Tháp và tượng Quán Thế Âm. Những nét chạm khắc trên gỗ, hoành phi, câu đối và mái ngói đầu đao mang đậm phong cách nghệ thuật truyền thống của ngôi chùa Việt. Ngoài giá trị tôn giáo, chùa Phú Lâm còn là một địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh. Sự khôi phục của ngôi chùa đã góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản Phật giáo Việt Nam, đồng thời phản ánh tinh thần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Nhân dịp này ông Hoàng Việt Phương, Uỷ viên ban chấp hành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quan phát biểu chúc mừng Đại lễ Phật đản PL. 2569 – DL. 2025 và khánh thành chùa Phú Lâm.
Ông đã đánh giá cao và ghi nhận các hoạt động Phật sự của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tuyên Quang đã đạt được trong thời gian qua, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tuyên Quang đã luôn phát huy truyền thống đoàn kết, quản lý giáo hội, hướng dẫn tăng ni, cư sĩ, phật tử theo quy định và tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng quê hương.
Mong muốn trong tương lai Ban Trị sự, chư tôn đức, tăng ni và phật tử tiếp tục ủng hộ, đồng hành cùng chính quyền địa phương. Tiếp tục phát huy truyền thống hộ quốc, an dân, tăng cường đoàn kết toàn dân và các tôn giáo để vận động thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương hai cấp, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững cho tỉnh với tinh thần từ bi, nhân văn, thực hiện các việc làm “lợi đạo – ích đời” mang lại hòa bình, an vui, hạnh phúc tăng cường đoàn kết và niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, phát huy truyền thống cách mạng của Tuyên Quang.
Nhân dịp Đại lễ Phật đản PL. 2569 – DL. 2025 và khánh thành chùa Phú Lâm, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tuyên Quang vinh dự được đón tiếp các sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức và cá nhân tới tham dự và trao những lẵng hoa tươi thắm chúc mừng BTS, Tăng Ni, tín đồ Phật tử GHPGVN tỉnh Tuyên Quang
Hoà thượng Thích Gia Quang trao tặng bằng Tuyên dương công đức xây dựng chùa Phú Lâm tới các Quý mạnh thường quân, Quý Phật tử đã chung tay dựng xây ngôi Tam Bảo trang nghiêm vì sự trường tồn của Phật pháp, hộ trì chính pháp – tu tạo đạo tràng, ích đời, lợi đạo.
Hưởng ứng chủ trương của Đảng, nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ về việc xoá nhà tạm nhà dột nát tại buổi lễ Hoà thượng Thích Gia Quang đã trao tặng căn nhà đại đoàn kết cho hộ gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Tuyên Quang với tổng kinh phí 60 triệu đồng.
Ban đạo từ tại buổi lễ Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban Hoằng pháp TƯ, Trưởng BTS GHPGVN Tp Hà Nội gửi lời tán thán công đức vô lượng của Hòa thượng Thích Gia Quang cùng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tuyên Quang đã tận tâm, tận lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thiện công trình tâm linh, tri ân sâu sắc tới các cấp chính quyền đã đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi thủ tục cho sự nghiệp trùng tu Tam Bảo. Ghi nhận và biết ơn công đức của chư Tăng Ni, Phật tử, quý mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đặc biệt tập đoàn Vingroup đã phát tâm hộ trì, góp phần xây dựng nên ngôi chùa Phú Lâm trang nghiêm, thanh tịnh.
Với tâm nguyện trùng hưng Tam Bảo, phục hưng giá trị văn hóa tâm linh cho quê hương, dưới sự lãnh đạo đầy trí tuệ và từ tâm của Hòa thượng Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tuyên Quang, công trình đại trùng tu chùa Phú Lâm đã được khởi dựng. Đây không chỉ là một công trình kiến trúc, mà là biểu tượng của niềm tin, của sự kiên định và tâm huyết phụng sự Đạo pháp – Dân tộc.
Tại buổi lễ chư Tôn đức cử hành nghi lễ dâng hương, tụng Sám khánh đản và thực hiện nghi thức tắm Phật.
Cuối buổi lễ chư Tôn đức cùng đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành và dâng hương lễ Phật tại chính điện Tam bảo chùa Phú Lâm.
Buổi lễ đã thành tựu viên mãn trong không khí tràn đầy đạo vị và an lạc.
Xin giới thiệu chùm ảnh tại buổi lễ:
Thượng toạ Thích Minh Quang, Uỷ viên thư ký HĐTS TƯ GHPGVN, Phó chánh văn phòng I TƯ GHPGVN tuyên bố lý do giới thiệu thành phần tham dự
Cẩm Vân