Chiều ngày 12-9-2024 (nhằm ngày 10 tháng 8 năm Giáp Thìn), Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TƯ, Trưởng BTS GHPGVN Tỉnh Hà Tĩnh đã viếng thăm và làm việc tại một số ngôi chùa thuộc địa bàn Tỉnh Hà Tĩnh để động viên cũng như sách tấn Chư tôn đức Tăng Ni tu tập, xây dựng Tự viện và Hoằng Pháp Độ Sinh.
Trong chuyến viếng thăm lần này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã đến chùa Phượng Hoàng, còn gọi là (Chùa Bồn), nằm trên rú Trùa (chùa) phía sau núi Mồng Gà, trước đây thuộc làng Trung, xã Ân Phú, tổng Dị Ốc, huyện Hương Sơn, nay thuộc xóm 2, xã Đức Giang, huyện Vũ Quang.
Đại đức Thích Chúc Huy – trụ trì chùa Phượng Hoàng cho biết, chùa khởi công xây dựng vào tháng 3 năm 2021, được thiết kế theo lối kiến trúc truyền thống miền Bắc bằng bê tông cốt thép, theo dạng nhà gỗ 5 gian xây dựng trên nền đất của chùa cũ đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, bao gồm các công trình: Đại hùng bảo điện, nhà Tổ, Tăng xá, nhà khách, nhà bếp và các công trình phụ trợ phục vụ sinh hoạt của chùa.
Chùa tọa lạc ở vị trí đắc địa, nơi linh khí hội tụ, nằm trên ngọn đồi cao bao bọc sau lưng những dãy núi lớn phía trước con sông Ngàn Sâu, thế “tựa sơn hướng thủy” mang lại cảm giác được bao bọc, an toàn, hanh thông tốt đẹp…
Một số hình ảnh ghi nhận tại chùa:
Sau đó, Hoà thượng đã đến thăm và làm việc tại Chùa Ngọc Quy, thôn Hợp Phát, xã Đức Giang, huyện Vũ Quang. Đây cũng là Văn phòng BTS Phật giáo huyện Vũ Quang.
Tiếp đến, Hoà thượng viếng thăm Chùa Thiên Tượng, phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.
Chùa Thiên Tượng được khai sơn kiến tạo từ khoảng thế kỷ thứ XIV (thời nhà Trần), chùa được các bậc tiền nhân dựng ở mé tây ngọn Tượng Sơn, thuộc dãy Hồng Lĩnh, phía sau khối đá có dáng con voi, phía trước là chùa Long Đàm (đầu Rồng), nay thuộc địa phận tổ dân phố Quỳnh Lâm, phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.
Tương truyền, Thiên Tượng là một trong 4 ngôi cổ tự trên dãy Hồng Lĩnh bao gồm: Thiên Tượng, Long Đàm, Đại Hùng, Cực Lạc. Phân bố tương đối đều nhau về mặt địa lý nên khi tiếng chuông của chùa này điểm thì vọng tới chùa kia và ngược lại. Thiên Tượng được xem là đệ nhị danh thắng sau chùa Hương Tích.
Thiên Tượng ngày nay đang ngày càng xứng đáng là địa chỉ đẹp trong lòng du khách, xứng tầm di tích danh thắng Quốc gia, là ngôi Tổ Đình của Phật giáo Miền trung.
Trải qua hàng trăm năm kể từ khi Hòa Thượng Thích Khuông Lộ khai sơn, phá thạch dựng chùa; Thiền sư Chuyết Công hoằng dương Phật pháp khai sáng đạo Phật trên mảnh đất này; Nối gót bậc tiền nhân, đã có nhiều vị Tổ sư đạo cao, đức trọng vân tập về đây để hoằng khai chính pháp, nhờ đó chùa vẫn giữ được dáng vẻ của ngôi cổ tự như buổi ban đầu khởi dựng.
Sau cùng, Hoà thượng viếng thăm và làm việc tại Chùa Long Đàm.
Chùa Long Đàm nằm ở sườn núi Thiên Tượng, thuộc tổ dân phố Thuận Hồng, phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, là một trong những ngôi cổ tự trên núi Hồng Lĩnh. Là một địa chỉ tâm linh có giá trị lịch sử – văn hoá lâu đời, với vị trí địa lý thuận lợi bên con đường Thiên lý Bắc Nam, luôn là địa danh hấp dẫn in đậm dấu ấn trong tâm hồn Phật tử, du khách tham quan và Nhân dân địa phương.
Chùa Long Đàm, tương truyền, xưa có một con rồng bơi lặn trong đầm này. Một hôm, trời mưa to, rồng cuộn mây bay lên để sót lại nhiều ngọc minh chầu dưới đầm. Đêm trăng thanh thường trông thấy ánh sáng vằng vặc. Vì thế người ta dựng chùa bên đầm gọi là “Long đàm”, chùa dựng vào khoảng thể kỷ 16, 17 (cuối Trần – đầu Lê), đã nổi tiếng một thời về cảnh gió mát, trăng thanh, thiên nhiên kỳ thú.
Đến năm 2001, chùa được xây dựng lại khá khang trang trên nền Thượng điện cũ, nhờ sự đóng góp của các tín đồ và người hảo tâm ở nhiều địa phương. Toàn bộ khuôn viên là một khu đất rộng. Chùa có kiến trúc theo lối chữ Nhất, ngoảnh mặt về hướng Nam dựa vào sườn núi Thiên Tượng, có độ cao 120 mét so với mực nước biển. Xét về phong thuỷ, đây là hướng lý tưởng mong được “Dương Khánh”, “Âm Siêu”, phía bên trái có 2 con suối gọi là khe Gác Chuông chảy từ trên núi Thiên Tượng hợp lưu tại đây như hai con rồng chụm đầu vào nhau, uốn lượn tạo thành hồ gọi là “Tả Thanh Long”, “Hữu Bạch Hổ”; xung quanh chùa cây cối xanh tươi, tạo nên khung cảnh thanh u, thâm nghiêm nơi cửa Phật.
Phật Sự Thủ Đô