HÀ NỘI: PHÁP THOẠI VỚI CHỦ ĐỀ: “ỨNG DỤNG PHẬT PHÁP TRONG CUỘC SỐNG HẰNG NGÀY” TẠI CHÙA LONG HƯNG

Sáng ngày 27/4, tức ngày 30/3 năm Ất Tỵ, tại chùa Long Hưng, Đông Anh, Hà Nội, Trưởng lão Tỳ kheo Bhikkhu Bodhi – vị danh tăng uyên bác của Phật giáo Nguyên thủy, diễn giả chính của Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tại Tp.Hồ Chí Minh đã có buổi pháp thoại trực tiếp tại Hà Nội với chủ đề: “Ứng dụng Phật pháp trong cuộc sống hằng ngày”.

Sau khi chia sẻ cơ duyên đến với Phật giáo Việt Nam, Trưởng lão Tỳ kheo Bhikkhu Bodhi cùng quý Phật tử đã bước vào buổi thuyết giảng với chủ đề: “Ứng dụng Phật pháp trong cuộc sống hằng ngày”. Theo lời dạy của đức Phật, chúng ta có 5 loại tài sản thật sự, luôn luôn ở cùng với chúng ta đó là đức tin, giới hạnh, bố thí, học hỏi và trí tuệ. Trong đó, đức tin được ví như hạt giống, bởi vì từ đức tin chúng ta sẽ phát triển nhiều đức tính tốt đẹp khác trên con đường tu tập của mình. Ngũ căn chính là gốc của sự tu tập: tính, tấn, niệm, định và tuệ. Nhờ đức tin chúng ta mới có được năng lượng thực sự từ đó mới có được sự chánh niệm, bình tĩnh, trí tuệ sáng suốt để xử lý các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày.

Bên cạnh đức tin, giới hạnh và bố thí cũng rất quan trọng. Trong đời sống tu tập, nếu những người cư sĩ thực hành được 5 giới thì còn có thể phát triển được 5 đức tính quý báu trong thân và tâm của chúng ta đó là từ bi với chúng sinh, chân thật, trung thành, trung tín và tâm trí hoàn toàn sáng suốt. Đặc biệt, Hòa thượng cũng chia sẻ cách thức tránh phạm giới đó là mỗi ngày khi đọc lời quy y Tam Bảo, các cư sĩ phát nguyện thực hành 5 giới, qua đó nhắc nhở trong tâm mình không được phạm phải và giữ gìn 5 giới đó để đem lại lợi lạc trong đời sống.

Còn với tài sản bố thí, đó là việc chúng ta sẵn lòng cho đi, chia sẻ những gì chúng ta đang có và chúng ta sẽ phát triển tâm trí ngày càng rộng lớn hơn để nghĩ đến sự an vui của những người xung quanh. Qua đó, tạo nền tảng cho những người cư sĩ tại gia về đức hạnh.

Hòa thượng cũng cho rằng trong cuộc sống còn nhiều bận rộn nhưng khi chúng ta dành thời gian mỗi ngày để đọc kinh, thì mỗi lần chúng ta đọc thì lời dạy của đức Phật sẽ đi sâu vào tâm của chính mình. Và việc chúng ta học hỏi như vậy sẽ là nền tảng của sự phát triển trí tuệ. Đó cũng chính là ý nghĩa của tài sản học hỏi và trí tuệ.

Với tuệ giác uyên thâm, lối giảng dạy mạch lạc và gần gũi, Hòa thượng đã dẫn dắt đại chúng tiếp cận những nguyên lý cốt lõi của Phật pháp như chính niệm, từ bi, vô thường, nhân quả và đặc biệt là cách ứng dụng chúng vào công việc, gia đình, các mối quan hệ xã hội để vượt qua phiền não, nuôi dưỡng sự tỉnh thức và tái thiết lại bình an nội tại.

Nhân dịp này, Hòa thượng cũng đã trả lời những câu hỏi cũng như thắc mắc của quý Phật tử tham dự pháp thoại về nhiều vấn đề trong việc tu tập trong cuộc sống hằng ngày.

Tỳ kheo Bhikkhu Bodhi (Tỳ kheo Bồ đề), thế danh Jeffrey Block, sinh năm 1944 tại Brooklyn, New York, là một tu sĩ Phật giáo nhánh Theravada, được phong làm tăng sĩ ở Sri Lanka và hiện đang giảng dạy tại khu vực New York và New Jersey. Ngài là diễn giả chính của VESAK 2025 tổ chức từ ngày 6 đến ngày 8/5/2025 tại Tp.Hồ Chí Minh.

Với hơn 50 năm hành trì, hoằng pháp và phiên dịch kinh tạng Pāli, Ngài Bhikkhu Bodhi đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng phật tử toàn cầu qua những trước tác quý báu như: Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tăng Chi Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh, Kinh Tập Nipata, Cẩm nang Tổng hợp Vi Diệu Pháp…Các tác phẩm đã được dịch ra tiếng Việt gồm có: Bát Thánh đạo: con đường chấm dứt khổ đau (The Noble Eightfold Path: Way to end suffering); Hợp tuyển lời Phật dạy từ Kinh tạng Pāḷi (In the Buddha’s Words: An Anthology of Discourses from the Pāḷi Canon); Lời Phật dạy về sự hòa hợp trong cộng đồng và xã hội (The Buddha’s teachings on social and communal harmony).

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *