Hà Nội: Họp báo về việc tổ chức Đại lễ Phật đản – Vesak Liên hiệp quốc 2025

Chiều ngày 22/4/2025 GHPGVN long trọng tổ chức họp báo về việc tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tại Phòng họp tầng 3 – Chùa Quán Sứ, số 73 phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Chứng minh tham dự buổi lễ có Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Ủy viên Thường trực HĐCM, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN; Hoà thượng Thích Gia Quang, Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN – Trưởng Ban Thông tin Truyền thông TƯ GHPGVN; Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN, đồng thời là Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức Đại lễ , Thượng tọa Thích Thanh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm chánh văn phòng 1 TƯ GHPGVN cùng chư Tôn đức văn phòng 1 TƯ GHPGVN cùng hơn 150 đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí các cơ quan Trung ương, Tp Hà Nội cùng về tham dự.


Phát biểu khai mạc tại buổi lễ Hoà thượng Thích Gia Quang thông tin tổng thể về công tác chuẩn bị và ý nghĩa của Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025. Theo đó, Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 được GHPGVN đăng cai tổ chức từ ngày 6 đến ngày 8-5-2025 tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM (Cơ sở II, X.Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh) là sự kiện đối ngoại văn hóa quốc tế vô cùng ý nghĩa của GHPGVN nói riêng và của đất nước nói chung.

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc là hoạt động văn hóa của Liên hợp quốc. Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 54 ngày 15/12/1999 quyết định Vesak hay lễ Tam hợp kỷ niệm ngày đản sinh, thành đạo và Niết bàn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là lễ hội văn hóa tôn giáo vì hòa bình. Từ năm 2000 đến nay, Đại lễ Vesak LHQ đã được tổ chức 19 kỳ tại Trụ sở Liên hợp quốc và các nước trên thế giới.

Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công ba kỳ Đại lễ Vesak Liên hợp quốc vào các năm 2008 với 87 nước tham dự tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Thủ đô Hà Nội; năm 2014 với 95 nước tham dự tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình; và năm 2019 với 112 nước tham dự tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam.

Đại lễ Vesak LHQ lần thứ 20 năm nay với các đoàn đại biểu đến từ 80 quốc gia và 5 vùng lãnh thổ tham dự, được Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh nhân dịp đất nước Việt Nam kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), và kỷ niệm 80 năm ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (02/9/1945 02/9/2025).

Đây sẽ là sự kiện đối ngoại văn hóa quốc tế vô cùng ý nghĩa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và của đất nước ta năm 2025.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 với mục đích là dịp để bạn bè quốc tế khắp nơi trên thế giới đến với TPHCM. Đây cũng là cơ hội giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện, đoàn kết và hòa hợp. Để bạn bè quốc tế chứng kiến Thành phố Hồ Chí Minh năng động, sáng tạo, phồn vinh, thịnh vượng sau 50 năm thống nhất đất nước. Đất nước Việt Nam hội nhập, phát triển, vươn mình cùng thế giới trong kỷ nguyên mới.

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 được tổ chức tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, đây cũng là dịp khẳng định với cộng đồng quốc tế về chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam; về thực tiễn đời sống tự do tôn giáo ở Việt Nam; về thành quả mà cộng đồng các tôn giáo ở Việt Nam thành tựu sau 50 năm đất nước thống nhất.

Tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 2025 một lần nữa khẳng định với quốc tế về vai trò, vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo thé giới. Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng mạnh mẽ trở thành ngọn hải đăng trong định hướng các hoạt động quốc tế của Phật giáo thế giới, trong việc xiển dương giá trị giáo lý của Đức Phật vì hòa bình và phụng sự nhân sinh trong bối cảnh thế giới ngày nay.

Thông qua các nội dung chương trình, hội thảo khoa học bằng tiếng Anh và tiếng Việt, hoạt động văn hóa, xã hội của Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh, bạn bè quốc tế càng hiểu sâu sắc hơn về truyền thống lịch sử và văn hóa Phật giáo Việt Nam trong hơn 2000 năm đồng hành cùng dân tộc. Tinh thần nhập thế đặc sắc của Phật giáo Việt Nam, những đóng góp to lớn của Phật giáo trong công cuộc dựng nước và giữ nước, trong thành quả thống nhất đất nước qua hình ảnh Xá-lợi trái tim bất diệt của Bồ-tát Thích Quảng Đức sẽ được tôn trí chiêm bái tại Đại lễ Vesak năm nay.

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và đầu tư kinh tế vào Việt Nam và cũng là dịp để Việt Nam trở thành điểm đến của du khách quốc tế từ hình ảnh đẹp mà Việt Nam tạo được qua sự kiện văn hóa quốc tế của Liên hợp quốc.

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc được xem là hoạt động rất tích cực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thực thi đường lối đối ngoại nhân dân. Tăng cường sự hiểu biết, giao lưu, hợp tác hữu nghị thân thiết giữa nhân dân Việt Nam với tất cả bạn bè quốc tế trên thế giới. Qua đó khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế trong khu vực và thế giới.

Tuyên bố Vesak Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là sự đóng góp của Việt Nam vào sứ mệnh hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc vì hòa bình và phát triển bền vững.

Thời gian tổ chức Đại lễ từ Ngày 06 – 08/5/2025, Địa điểm diễn ra lễ khai mạc, hội thảo, bế mạc: Hội trường Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cơ sở Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. – Địa điểm và thời gian diễn ra các sự kiện lễ hội văn hóa tại Công viên Láng Le (bên cạnh Học viện Phật giáo) xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, từ ngày 28/4 đến 09/5/2025.

– Địa điểm tôn trí và thời gian chiêm bái Xá-lợi Phật trong thời gian diễn ra Đại lễ Vesak: Chùa Thanh Tâm (22 Mai Bá Hương, Lê Minh Xuân, bên cạnh Học viện Phật giáo). Lễ chiêm bái chính thức cho cộng đồng vào lúc 08g00 ngày 02/5/2025 đến 08/5/2025.

– Địa điểm tôn trí và thời gian chiêm bái Xá-lợi trái tim Bồ-tát Thích Quảng Đức trong thời gian diễn ra Đại lễ Vesak: Việt Nam Quốc Tự, 244 Đường 3/2, Q.10, từ ngày 03/5/2025 đến 10/5/2025.

– Địa điểm và thời gian biểu diễn văn nghệ cho quần chúng: Lúc 19h00 từ ngày 03-05/5/2025 tại Công viên Láng Le, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh (bên cạnh Học viện Phật giáo).

Địa điểm và thời gian biểu diễn nghệ thuật quốc tế: Lúc 19h30 ngày 07/5/2025 tại Nhà hát Thisky Hall, Sala, khu đô thị Đại Quang Minh, Tp. Thủ Đức. – Địa điểm tham quan: Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh. Đại biểu quốc tế khởi hành tại Học viện Phật giáo tại Tp. HCM lúc 12h00 ngày 08/5/2025. Chương trình gồm Lễ cầu nguyện hòa bình thế giới và trồng 108 cây Bồ-đề chiết nhánh từ Bồ-đề Đạo tràng Ấn Độ.


Tại buổi họp báo Nhiều câu hỏi được đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí liên quan đến công tác tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025.

Dịp này, Thượng tọa Thích Đức Thiện Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự trả lời câu hỏi từ đại diện các cơ quan báo chí về vấn đề đón tiếp đại biểu quốc tế, thủ tục và quá trình cung rước Xá lợi Đức Phật Thích Ca từ Ấn Độ, chiêm bái xá-lợi Phật, xá-lợi Trái tim Bồ-tát Thích Quảng Đức, thông tin cụ thể về Hội thảo khoa học quốc tế trong khuôn khổ Đại lễ, nét mới của Đại lễ Vesak năm nay so với 3 năm trước từng diễn ra tại Việt Nam, cùng những vấn đề về an ninh và tác nghiệp báo chí.

Chủ đề chính của Đại lễ: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững” (Unity and Inclusivity for Human Dignity: Buddhist Insights for World Peace and Sustainable Development).

Ban tổ chức đã nhận được 620 bài tham luận bằng tiếng Anh, và 330 bài tham luận bằng tiếng Việt. Các bài tham luận tập trung vào các chủ đề về hòa bình, phát triển bền vững, và ứng dụng giáo lý Phật giáo vào trong xã hội hiện đại.

Đại biểu tham dự Đại lễ: Đại biểu tham dự khoảng hơn 2.700 đại biểu

Đại biểu quốc tế: khoảng 1.250 đại biểu đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm các vị Tăng vương, Tăng thống, Pháp chủ, Chủ tịch các tổ chức Phật giáo trên thế giới; các vị cao Tăng, tiêu biểu các truyền thống Phật giáo lớn trên thế giới, có vai trò quan trọng trong việc định hướng, phát triển cộng đồng Phật giáo thế giới; các nhà nghiên cứu, các học giả, Giáo sư, Tiến sĩ từ các trường đại học, viện nghiên cứu nổi tiếng; các nhân sĩ tri thức Phật giáo trên thế giới và trong nước. Ngoài ra còn có nhiều kiều bào ta ở Hoa Kỳ, Canada, Úc châu, các nước châu Âu và các nước châu Á về tham dự Đại lễ Vesak năm nay.

Đại biểu đại diện Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các quốc gia dự kiến tham dự: Tổng thống Sri Lanka và các quan chức Bộ trưởng đoàn tháp tùng; Phó Thủ tướng Cộng hòa Buryatia (Liên bang Nga); Bộ trưởng Bộ các vấn đề Quốc hội, Cộng hòa Ấn Độ; Bộ trưởng Bộ Nghi lễ và Tôn giáo Vương quốc Campuchia; Quan chức Liên hợp quốc; Đại sứ các nước tại Việt Nam.

Đại biểu trong nước: khoảng 1.500 đại biểu gồm Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Lãnh đạo Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự 63 tỉnh, thành phố cả nước); các vị khách quý gồm Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các Ban, Bộ ngành Trung ương; Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Long An, tỉnh Tây Ninh, Thành phố Hà Nội, tỉnh Ninh Bình, tỉnh Hà Nam; Các Phật tử tiêu biểu các địa phương.

Các hoạt động văn hóa: Nội dung của Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 còn có các nội dung văn hóa tâm linh diễn ra tại khuôn viên Học viện Phật giáo Việt Nam, Cơ sở Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh và Công viên Láng Le: bao gồm  Lễ tắm Phật truyền thống; Đàn lễ tưởng niệm tri ân Anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) theo nghi lễ Phật giáo truyền thống đặc trưng ba miền Bắc, Trung, Nam;Đêm hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới; Các triển lãm mỹ thuật Phật giáo.

Tôn trí Xá-lợi Phật Thích-ca Mâu-ni bảo vật Quốc gia Ấn Độ:

– Tại Chùa Thanh Tâm – Học viện Phật giáo Việt Nam, Công viên Láng Le, Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh từ 02 – 08/5/2025;

– Tại Núi Bà Đen, Tây Ninh từ 09 – 13/5/2025;

– Tại chùa Quán Sứ, Hà Nội từ 14 – 16/5/2025;

– Tại chùa Tam Chúc, Hà Nam từ 17 – 21/5/2025; sau đó trở về lại Ấn Độ.

Công tác đảm bảo an ninh:

Về công tác đảm bảo an ninh trật tự, giao thông đi lại Nhà nước đã có phương án hỗ trợ.

Ban Tổ chức có thiết lập Trung tâm điều hành an ninh tại khu vực diễn ra Đại lễ Vesak.

Về hậu cần, Khách sạn lưu trú và vận chuyển, Sinh viên tình nguyện khoảng 550 TNV đến từ các trường Đại học trên địa bàn Tp. HCM/ 1.000 Tăng Ni sinh Học viện/ 1.200 người phục vụ hậu cần/ 4.000 thanh niên sinh viên tham dự lễ hội hoa đăng +6.000 Phật tử các chùa Tp. HCM. 13. Trung tâm báo chí và điều hành:

Trung tâm báo chí, Trung tâm an ninh, Trung tâm y tế, an toàn thực phẩm, và công tác đảm bảo ANTT, phòng chống cháy nổ được thiết lập trong khuôn viên Học viện Phật giáo Việt Nam, Cơ sở Lê Minh Xuân.

Ủy ban tổ chức Quốc gia Đại lễ Vesak Liên hợp quốc Giáo hội Phật giáo Việt Nam có xây dựng trang web chính thức của Vesak 2025 thường xuyên cập nhật thông tin tại địa chỉ: www.undv2025vietnam.com/

Các chương trình Khai mạc, Bế mạc Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 Đài truyền hình Việt Nam. Các chương trình biểu diễn giao lưu nghệ thuật được truyền hình trực tiếp trên Kênh BChannel BTV9 An Viên.

Các nội dung của Đại lễ sẽ được chuyển tải trên các báo, đài và các phương tiện thông tin đại chúng về Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2025. Ngoài ra còn có chat box và robot hỏi đáp về Đại lễ Vesak LHQ 2025
Đại lễ Vesak được kỳ vọng không chỉ nâng cao ý thức về những thông điệp quý báu của Đức Phật mà còn đóng góp vào nỗ lực xây dựng hòa bình và phát triển bền vững trong bối cảnh thế giới hiện nay.

Xin giới thiệu chùm ảnh tại buổi họp báo

 Cẩm Vân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *