Những bài giảng pháp đi ngược giáo lý, thiếu cơ sở khoa học, mê tín dị đoan của một số vị tu sĩ thời gian qua gây hoang mang trong xã hội. Phóng viên VOV phỏng vấn Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam về vấn đề này.
PV: Thưa Thượng tọa, gần đây, có một số tu sĩ Phật giáo thuyết pháp có nội dung gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến giáo hội và niềm tin của người dân. Mặc dù ngay sau đó, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã xử lý kỷ luật, cấm thuyết giảng đối với những vị sư này, nhưng những bài giảng này vẫn được chia sẻ trên không gian mạng. Theo Thượng tọa, hệ lụy của những bài giảng “lệch chuẩn” là gì?
Thượng tọa Thích Đức Thiện: Đúng là tác động của nó đến xã hội lớn, làm giảm uy tín của Phật giáo cũng như uy tín của giáo hội. Hòa Thượng Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đức Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng trị sự luôn luôn nhắc nhở, dù làm bất cứ phật sự gì, trên hết và trước hết phải gìn giữ sự trong sáng của đạo Phật.
Thực tế, truyền thống giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng với dân tộc được lịch sử ghi nhận; và tăng ni phật tử cũng có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh đó, đúng là có một số các bài giảng của một số tăng ni không đúng với giáo lý của Đức Phật mà chúng ta thường hay gọi đó là lệch chuẩn. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng rất nghiêm minh, kỷ luật nghiêm khắc đối với một số tăng ni mà đã có những bài giảng sai với tôn chỉ mục đích, làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, bây giờ những bài giảng đó vẫn tồn tại trên không gian mạng, tới đây giáo hội cũng đang tính toán để làm sao mà có thể xử lý tốt nhất.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam
PV: Như Thượng tọa vừa cho biết, Hội đồng trị sự, Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN đã ban hành quy tắc thuyết giảng. Vậy vì sao vẫn có những trường hợp thuyết giảng có nội dung không đúng giáo lý, gây bức xúc trong dư luận?
Thượng tọa Thích Đức Thiện: Hiện nay bộ quy tắc ra cùng với quy chế hoạt động của Ban Hoằng pháp Trung ương giáo hội Việt Nam vào ngày 29/3/2023, trong đó có quy tắc thuyết giảng. Về cơ bản bộ quy tắc này được thực hiện rất tốt. Trở lại vấn đề một số các thuyết giảng mà chúng ta đề cập đến thì nó xảy ra từ rất lâu rồi, hiện nay cộng đồng mạng đưa lại.
Đối với trường hợp Thượng tọa Thích Chân Quang mà giáo hội xử lý kỷ luật nghiêm cấm trong 2 năm không được thuyết giảng, không được tổ chức sự kiện, những bài giảng này diễn ra cách đây hơn chục năm. Nhưng mà giáo hội cũng nhìn nhận đây không phải là vấn đề là thời điểm nào mà những lời giảng đó.
Xét lại từ khi Đại hội 9, về cơ bản đã điều chỉnh được tinh thần thuyết giảng của tăng ni. Những điều hiện nay chúng ta đang đặt vấn đề đều xảy ra từ một vài năm về trước. Chính vì vậy, giáo hội mới ra bộ quy tắc. Và tới đây giáo hội sẽ siết chặt hơn nữa các giảng sư, tiêu chuẩn khi giảng sư tham gia thuyết giảng sẽ đảm bảo tốt chất lượng của các bài giảng.
PV: Nhiều ý kiến đề xuất, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên thành lập một hội đồng thẩm định uy tín. Hội đồng này sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra, đánh giá nội dung các bài giảng trước khi được công khai. Thượng tọa nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Thượng tọa Thích Đức Thiện: Có nhiều phương án mà giáo hội cũng tính đến để kiểm soát tốt nhất, điều chỉnh lại những bài giảng làm sao cho đúng giáo lý Phật giáo. Ở đây nguyên nhân chính là suy diễn của một số vị thầy khi thuyết giảng không thực sự thấu hiểu giáo lý, lời dạy của Đức Phật mà suy diễn giáo lý nhân quả theo chủ quan cá nhân, làm cho mọi người hiểu sai, dẫn dụ vào mê tín dị đoan, dẫn dụ vào con đường lệch chuẩn.
Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có một bộ quy tắc khi thuyết giảng phải đảm bảo đúng với chính pháp, gìn giữ khối đại đoàn kết dân tộc, gìn giữ đoàn kết trong giáo hội. Việc thành lập một hội đồng để thẩm định những bài thuyết giảng, giáo hội cũng đã tính tới và nhiệm vụ của Ban Hoằng pháp Trung ương phải thẩm định những bài giảng đó. Tuy nhiên, rất khó kiểm soát khi mọi người tham gia không gian mạng. Giáo hội cũng đặt ra vấn đề, bây giờ tiền kiểm hay hậu kiểm những bài giảng này trước khi tham gia không gian mạng.
Thời gian tới, Giáo hội tiếp tục giao cho Ban Hoằng pháp Trung ương và Ban Pháp chế Trung ương, cũng như Ban kiểm soát Trung ương Giáo hội kiểm soát tốt nhất những bài giảng này và tăng cường kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh hơn nữa để răn đe khi mà có những bài thuyết giảng không đúng.
PV: Xin cảm ơn Thượng tọa Thích Đức Thiện!
Nguồn: https://tapchinghiencuuphathoc.vn