Chùa Cầu Đông, tên chữ là Đông Môn tự, tọa lạc tại phố Hàng Đường, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm.
Đông Môn Tự là ngôi chùa của làng Đông Hoa Môn. Tương truyền chùa có từ đầu thời Lý, đến thời Trần lại được Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung cho sửa sang. Tuy nhiên hiện nay chỉ lưu giữ được những tấm bia dựng nhân dịp chùa được trùng tu lớn vào các năm 1624, 1639, 1711, 1816 khắc ghi lại vị trí và quá trình xây chùa từ thời Lê Trung Hưng.
Vào đời Vĩnh Tộ (1619—1629) chưa có phố Hàng Đường, nhưng theo văn bia đã có đường cái đi qua chùa và phường Diên Hưng (nay là khu vực từ phố Hàng Ngang tới phố Hàng Đường). Trong văn bia “Đông Môn Tự Ký” do nhà sư Thích Đạo Án (thế danh Nguyễn Văn Hiệp) chủ trì tạo tác vào tháng 10 năm Vĩnh Tộ thứ 6 (1624) có mô tả việc mua đất của Tăng thống Đạo Tâm (thế danh Phạm Đức) để mở rộng chùa “Bốn phía thửa ruộng ấy: trên giáp cầu đá, dưới giáp phường Diên Hưng, phía trước giáp đường cái, phía sau giáp Đông Ngục”. Một số thư tịch cũ cũng ghi Diên Hưng là một phường buôn bán sầm uất của Thăng Long xưa, rất nhiều thương gia các nước như Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh và đông nhất là Trung Quốc đã đến đây.
Thời đó, thuyền nhỏ vẫn còn có thể vào sông Tô Lịch từ cửa Hà Khẩu (khoảng chỗ Chợ Gạo bây giờ) mà ngược dòng qua các địa điểm nay là phố Nguyễn Siêu, Ngõ Gạch, cắt ngang phố Hàng Đường, rồi chéo qua phố Hàng Lược men theo phía bắc thành Thăng Long và đi lên Kẻ Bưởi… Để vượt qua khúc sông Tô, người thôn Đông Hoa Môn đã xây một chiếc cầu bằng đá, gọi là Cầu Đông (cầu của thôn Đông). Và ngay bên cạnh cầu có khu chợ Cầu Đông rất nổi tiếng đã từng đi vào ca dao: “Bà già đi chợ Cầu Đông / Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng”…
Bên cạnh chùa Cầu Đông là đình Đức Môn, trong có điện thờ Ngô Văn Long, một vị tướng thời Văn Lang, quê làng Sinh Quả, Thường Tín. Theo bức chạm đá trước nhà tiền tế thì đình này nguyên là một ngôi đền cùng tên có từ đầu thế kỷ 17. Chùa Cầu Đông hồi đó đã theo dòng Tào Động, một trong 5 thiền phái của Phật giáo Việt Nam. Trong chùa hiện có một quả chuông đồng đề chữ “Đông Môn Tự Chung” (chuông chùa Đông Môn), đúc năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) thời Tây Sơn. Trên chuông còn ghi: …“Duy có chùa cổ, cầu đá phía đông, sông Tô bên trái, cửa Hoa bên phải”…
Cây cầu đá ở phía đông thôn Đông Hoa Môn đã tạo nên tên của ngôi chùa Cầu Đông. Ở đầu cầu từng có một tượng Phật ngồi xếp bằng trên bệ, đều tạc bằng đá. Tượng này cười tủm tỉm, nên dân gian gọi là tượng “Tiếu Phật”. Đương thời, nhà thơ Ngô Ngọc Du đã từng viết bài thơ “Tiếu Phật hành” khá nổi tiếng, trong đó có câu: “Trò đời phô hết trăm màu vẻ/ Đức Phật từ bi cũng bật cười”… (tạm dịch). Đến cuối thế kỷ 19, đời vua Thành Thái, đoạn sông Tô Lịch chảy từ Nhị Hà đến Cửa Bắc bị thực dân Pháp cho lấp hết, tượng Phật cười cũng biến mất…
Chùa Cầu Đông xưa hoành tráng hơn nhiều so với bây giờ. Văn bia “Đông Môn Tự” khắc năm Dương Hoà thứ 5 (1639) cho biết: “Chùa Đông Môn đẹp như cảnh tiên, dải sông Nhị phô bày trước mắt, thành Thăng Long dăng khắp phía sau”… Tư liệu cho biết ngôi chùa đã được sửa chữa, tôn tạo nhiều lần. Có lẽ khuôn viên bị thu hẹp khi thực dân Pháp lấp sông Tô Lịch và mở mang phố xá. Đến đầu thế kỷ 20, thiền sư Thích Thông Toàn đã tổ chức xây dựng lại chùa.
Chùa mới đây lại tiếp tục được sửa sang nhưng dáng vẻ vẫn gần nguyên vẹn như lần trùng tu cũ, chủ yếu mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn, có thêm đài bia tưởng niệm liệt sĩ. Tam quan trông khá to cao so với khuôn viên hẹp của chùa, được xây kiểu hai tầng tám mái với gác chuông. Bố cục toà tam bảo vẫn theo hình chữ “Công”, gồm 5 gian tiền đường và 3 gian ống muống (thiêu hương) nối liền với 3 gian thượng điện thờ Phật. Bên trái chùa là đình Đức Môn cùng chung bức vách và khoảnh sân của tiền đường. Ngôi tháp 5 tầng và đài liệt sĩ đối diện nhau qua sân này. Sân nhỏ phía sau thượng điện dẫn tới nhà thờ Mẫu và nhà thờ Tổ, bên phải là nhà Tăng.
Ngoài các bia đá và quả chuông cổ đã kể ở trên, trong chùa Cầu Đông còn có gần 60 pho tượng tròn. So với các ngôi chùa khác trên địa bàn Hà Nội, số lượng tượng như thế là tương đối nhiều.
Trong chính điện có ba pho tượng Tam Thế được tạo tác vào nửa đầu thế kỷ 18, hình thức gần giống nhau. Đây là những cổ vật quý hiếm và đạt giá trị nghệ thuật cao. Tượng đeo vòng anh lạc, khuôn mặt như phụ nữ, mang phong cách tượng Phật thế kỷ 17-18 ở nước ta.
Trong điện còn có pho tượng Tuyết Sơn áo buông trên vai, lộ tấm thân gầy, nét mặt thanh tao, thoát tục, dáng vẻ gần với tượng Tuyết Sơn ở chùa Nành (Ninh Hiệp, Gia Lâm) và chùa Tây Phương (Thạch Thất). Ngoài ra cần kể đến các pho tượng khác như: Di Lặc, Quan Âm Thiên Thủ, các Thánh Mẫu…
Đặc biệt, cuối hành lang hậu cung tại chùa Cầu Đông có một ban thờ tượng Trần Thủ Độ và phu nhân Trần Thị Dung. Tượng hai người này đều ở tư thế tọa sen, nét mặt già nua hơi quay đi hai hướng khác nhau, có lẽ thể hiện khi họ đã sám hối và quy Phật. Đây cũng là ngôi chùa duy nhất tại Hà Nội thờ Thái sư Trần Thủ Độ và Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung, những người có công lớn trong thời kỳ đầu triều đại nhà Trần.
Chùa từng là cơ sở cách mạng, có hầm bí mật che giấu cán bộ Việt Minh; nay cửa hầm vẫn còn dưới ban thờ Mẫu. Ngày 5-9-1989, chùa Cầu Đông cùng đình Đức Môn ở nhà 38A liền kề đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng “Di tích lịch sử văn hóa quốc gia”.