TP.HCM: Ban Văn hóa Trung ương khai mạc lễ hội Văn hóa Phật giáo Vesak LHQ 2025

Sáng ngày 3 tháng 5, tại Công viên Láng Le, huyện Bình Chánh, TP.HCM, Ban Văn hóa Trung ương đã long trọng tổ chức lễ khai mạc Lễ hội Văn hóa Phật giáo chào mừng Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2025 diễn ra tại thành phố.

Sự kiện này còn hướng đến kỷ niệm 80 năm Quốc khánh Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1945 – 2025) và 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975 – 2025). Lễ hội quy mô lớn này do Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) phối hợp cùng UBND huyện Bình Chánh tổ chức, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và tinh thần từ bi, trí tuệ của Phật giáo.

Buổi lễ vinh dự được chứng minh và tham dự bởi chư Tôn Giáo phẩm, bao gồm: Hòa thượng (HT.) Thích Quang Nhuận, Ủy viên Hội đồng Chứng minh, Chứng minh Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN; Thượng tọa (TT.) Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự (HĐTS) GHPGVN; HT. Thích Thọ Lạc, Ủy viên Thường trực HĐTS, Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN; HT. Thích Hải Ấn, Phó Trưởng ban Văn hóa Trung ương, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế; TT. Thích Trí Chơn, Phó ban Văn hóa Trung ương, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM, Trưởng Tiểu ban Lễ hội Văn hóa Phật giáo Vesak 2025; TT. Thích Giác Dũng; TT. Thích Nhật Từ, đồng Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM; cùng chư Tôn đức Ban Văn hóa Trung ương, Ban Văn hóa TP.HCM, các tiểu ban chuyên trách, quý doanh nghiệp, văn nghệ sĩ và đông đảo Phật tử.

Phát biểu khai mạc, TT. Thích Trí Chơn nhấn mạnh rằng, trong chuỗi sự kiện chào mừng Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2025 lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM, Ban Văn hóa Trung ương phối hợp với chính quyền huyện Bình Chánh đã thiết lập 285 gian hàng trưng bày đa dạng sản phẩm truyền thống Việt Nam, các ấn phẩm Phật giáo và dịch vụ, nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan và thưởng lãm của du khách và Phật tử đến tham dự các hoạt động của Đại lễ Vesak. Đây là cơ hội quý báu để lan tỏa các giá trị văn hóa Phật giáo, phát huy tinh thần từ bi, trí tuệ và đoàn kết dân tộc.

Bên cạnh đó, Ban Văn hóa còn tổ chức Lễ thượng Đại Phật kỳ diện tích 500m2 trước thềm khai mạc Đại lễ Vesak; Lễ hội hoa đăng cầu quốc thái dân an, dự kiến thắp sáng 35.000 hoa đăng với sự tham gia của 12.000 người. Ngoài ra, còn có triển lãm thư tịch cổ, bảo vật quốc gia; biểu diễn nghệ thuật với sự góp mặt của các nghệ sĩ trong nước và các đoàn nghệ thuật quốc tế đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc, Mông Cổ…

Sau lễ khai mạc, chư Tôn đức đã đến thăm các khu vực triển lãm. Các gian hàng được bài trí trang nghiêm, thu hút với nhiều nội dung phong phú như nhạc cụ truyền thống, trà đạo, pháp phục, kinh sách, sắc phong, mộc bản, tranh ảnh…

Mỗi gian hàng không chỉ có tính thẩm mỹ mà còn truyền tải chiều sâu văn hóa, tinh thần dân tộc và đạo lý Phật giáo. Không gian lễ hội là dịp để kết nối tâm linh và văn hóa, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và ý thức bảo tồn di sản Phật giáo trong xã hội hiện đại.

Một số hình ảnh tại lễ khai mạc:

 Cẩm Vân – Phật sự Thủ đô

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *