Ngày 3/12/2024 đoàn Trung tâm biên phiên dịch tư liệu Phật giáo quốc tế Chùa Long Hưng đã có chuyến thăm và làm việc tại Học Viện Văn Lý Pháp Cổ, Đài Loan, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong mối quan hệ hợp tác quốc tế về nghiên cứu và giáo dục Phật học.
Phái đoàn gồm có Đại Đức Thích Vạn Lợi – Phó Giám đốc Trung tâm biên phiên dịch tư liệu Phật giáo Quốc tế – Trưởng đoàn; Đại Đức Thích Đồng Tín – Phó Văn phòng Trung tâm biên phiên dịch tư liệu Phật giáo Quốc tế; Đại Đức Thích Quảng Thông – Ủy viên Trung tâm biên phiên dịch tư liệu Phật giáo Quốc tế; Cư sĩ Kim Hà – Giám đốc Nhà sách Vĩnh Nghiêm; Cư sĩ Kim Quý – Trưởng nhóm Quốc tế của Nhà sách Vĩnh Nghiêm; Cư sĩ Diệu Tường – Ủy viên Phân ban Truyền thông Hoằng pháp và ứng dụng Công nghệ thuộc Ban Hoằng pháp TW GHPGVN.
Đón tiếp đoàn là ông Trần Định Minh, Viện trưởng của Học Viện Văn Lý Pháp Cổ, cùng các giảng viên, đại diện lãnh đạo tiếp đón nhiệt tình và trọng thị. Trong buổi gặp gỡ, ông Trần Định Minh đã dành thời gian chia sẻ chi tiết về lịch sử hình thành và phát triển hệ thống giáo dục Pháp Cổ Sơn, một trong những hệ thống giáo dục Phật học hàng đầu tại Đài Loan. Qua lời kể của ông, phái đoàn không chỉ hiểu thêm về hành trình xây dựng Học Viện, mà còn cảm nhận sâu sắc về công hạnh của Cố trưởng lão Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm – người sáng lập Pháp Cổ Sơn. Ngài là một bậc thầy Phật học kiệt xuất, không chỉ đóng góp cho sự phát triển Phật giáo tại Đài Loan mà còn để lại dấu ấn quan trọng trong cộng đồng Phật giáo quốc tế. Những giá trị cốt lõi của Hòa Thượng, như tinh thần “Thanh tịnh tâm linh và tịnh hóa thế giới,” đã và đang là kim chỉ nam cho các hoạt động giáo dục tại Học Viện Văn Lý Pháp Cổ.
Trong phần phát biểu, Đại Đức Thích Vạn Lợi đã chia sẻ về những hoạt động hiện tại của Trung tâm Biên Phiên Dịch, đồng thời đề cập đến các kế hoạch phát triển trong tương lai. Đại Đức nhấn mạnh mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm, hướng đến chiều sâu và sự chuyên nghiệp, nhằm góp phần tích cực vào sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh. Bên cạnh đó, Đại Đức cũng giới thiệu về dự án dịch Đại Tạng Kinh sang tiếng Việt – một công trình có ý nghĩa lịch sử và văn hóa lớn lao. Đại Tạng Kinh, với nội dung phong phú và giá trị triết học sâu sắc, là một kho tàng tri thức vĩ đại của Phật giáo. Việc chuyển dịch bộ kinh này sang tiếng Việt không chỉ giúp bảo tồn và làm phong phú thêm di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam mà còn tạo điều kiện cho cộng đồng Phật tử tiếp cận sâu rộng hơn với tinh hoa của giáo lý, từ đó tăng cường sự hiểu biết và thực hành giáo pháp trong đời sống hàng ngày.
Sau phần thảo luận, đoàn đã trao tặng quà lưu niệm, thể hiện sự trân trọng và gắn kết với Học Viện Văn Lý Pháp Cổ. Đoàn cũng có cơ hội tham quan Phòng trưng bày lịch sử Hạnh Nguyện Quán của trường, nơi lưu giữ những tư liệu quý giá về hành trình phát triển của Học Viện cũng như các giá trị truyền thống của Phật giáo Đài Loan.
Đặc biệt trong chuyến thăm này đoàn đã có nhân duyên được gặp gỡ và trò chuyện với Pháp Sư Quả Huy – trụ trì Chùa Pháp Cổ Sơn một vị danh Tăng đương đại, người đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp giáo dục Tăng Ni và hoằng dương Phật pháp tại Đài Loan cũng như Phật giáo thế giới. Ngài đã có những chia sẻ cho đoàn về quá trình hình thành và phát triển của chùa Pháp Cổ Sơn và những di sản mà Hòa Thượng Tôn Sư đã để lại cho hàng hậu học. Đại Đức Thích Vạn Lợi cùng phái đoàn đã gửi lời vấn an Pháp Sư và giới thiệu về các hoạt động của Trung tâm Biên phiên dịch.
Chuyến thăm không chỉ mở ra những triển vọng mới trong hợp tác giáo dục và nghiên cứu Phật học, mà còn thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa Trung tâm biên phiên dịch tư liệu Phật giáo Quốc tế và Học Viện Văn Lý Pháp Cổ. Đây là bước khởi đầu hứa hẹn cho những dự án ý nghĩa hơn trong tương lai, góp phần lan tỏa giá trị Phật giáo đến cộng đồng quốc tế.
Phật Sự Thủ Đô