Sáng ngày 16/07/2025 (nhằm 22/06 Ất Tỵ), tiếp nối chủ đề “Mỗi ngày một hạt giống lành”, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Hoằng pháp Trung ương, Trụ trì chùa Bằng – tiếp tục trao cho các bạn khóa sinh một thời pháp ngắn tràn đầy ý nghĩa về hạt giống “Khiêm cung” – một đức tính quan trọng và cần thiết giúp các em biết cách ứng xử trong đời sống hàng ngày.
Trước khi bước vào thời pháp thoại, các bạn khoá sinh được cùng các quý Thầy trong BTC tụng thời kinh Phúc Đức. Những lời kinh âm vang chốn thiền môn, mở đầu ngày tu học thứ tư tràn đầy ý nghĩa.
Sau đó, những lời Hoà thượng chỉ dạy ấm áp vang lên nơi lễ đường, toàn thể khoá sinh chăm chú lắng nghe. Từ lời kinh Phúc Đức mà hàng ngày các bạn khoá sinh được nghe hay từ 5 điều Bác Hồ dạy, Hoà thượng nhắc nhở và chỉ dạy sự khiêm cung hay còn gọi là khiêm hạ, khiêm tốn, hay khiêm nhường vốn quan trọng và cần thiết như thế nào đối với mỗi người.
“Cổ nhân đã dạy, người nào biết khiêm hạ, biết cúi đầu thì người đó sẽ trưởng thành. Chúng ta luôn luôn biết khiêm cung là một đức tính tốt của con người. Khi các con đi học các con chào bố mẹ, ra đường kính chào các cô bác, đến lớp chào cô, chào các bạn. Ai đưa vật gì hoặc làm điều gì tốt, các con cúi đầu cảm ơn. Khi chúng ta làm như vậy sẽ được mọi người yêu mến và sẽ rất thành công. Vì vậy hai chữ Khiêm cung rất cần thiết trong đời sống của mỗi người. Các con là những chủ nhân tương lai của đất nước, nếu không giữ được truyền thống này chúng ta sẽ bị mất gốc, mất đi đạo đức, mất đi truyền thống văn hoá dân tộc.”
Trong bài pháp thoại, Hoà thượng nhấn mạnh, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng cần giữ sự khiêm cung. Khiêm cung đơn giản chỉ là lời chào, sự cúi đầu và lời cảm ơn, biết xin lỗi. Hoà thượng sách tấn, khiêm cung không có nghĩa là tiêu cực, hay tự đánh mất phẩm giá của mình. Cúi đầu nhưng mà để ngẩng đầu lên cao chứ không phải cúi đầu để hạ thấp bản thân. Những điều căn bản Hoà thượng muốn trao lại cho các bạn khóa sinh để sau này làm hành trang giúp ích cho các bạn trên con đường tương lai.
Được biết, Tên mười gia đình trong khóa tu được đặt theo tên của mười địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội. Nhằm giúp các bạn khóa sinh hiểu rõ hơn về giá trị lịch sử – văn hóa của những địa danh này, trong suốt các ngày qua, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã ân cần giảng giải, lồng ghép trong các thời pháp buổi sáng. Ngày hôm nay, Chùa Quán Sứ – ngôi già lam linh thiêng gắn liền với lịch sử Phật giáo hiện đại – cũng là địa danh cuối cùng được Hòa thượng giới thiệu và chia sẻ, khép lại hành trình tìm về cội nguồn giữa lòng Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Theo Hòa thượng, việc đặt tên “Gia đình Quán Sứ” không chỉ gợi nhắc đến một ngôi chùa cổ kính giữa lòng Hà Nội, mà còn tôn vinh nơi được xem là trung tâm hành chính và tâm linh của Phật giáo Việt Nam hiện đại.
Trong bản Hiến chương đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam – được thông qua tại Hội nghị Thống nhất Phật giáo toàn quốc ngày 07/11/1981, địa chỉ chính thức của Trung ương GHPGVN được ghi rõ là chùa Quán Sứ, số 73 phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. Từ ngày 01/7/2025, địa danh hành chính này được đổi thành phường Cửa Nam, TP. Hà Nội, nhưng chùa Quán Sứ vẫn giữ nguyên giá trị tâm linh và lịch sử thiêng liêng của mình.
Chùa Quán Sứ có nguồn gốc từ thời Lý – Trần, khi Thăng Long là kinh đô của Đại Việt. Do thường xuyên tiếp đón sứ thần từ các nước láng giềng như Chiêm Thành, Ai Lao – vốn đều sùng kính đạo Phật, triều đình đã cho dựng một khu nhà gọi là “Quán Sứ” để làm nơi tiếp đón và lưu trú. Do nhu cầu tín ngưỡng của các sứ giả, một ngôi chùa đã được xây dựng ngay trong khuôn viên này, và đó chính là tiền thân của chùa Quán Sứ ngày nay. Dẫu thời gian đã xóa đi dấu tích khu Quán Sứ, nhưng ngôi chùa thì vẫn tồn tại, ngày càng phát triển và trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng của cả nước.
Năm 1936 đánh dấu bước ngoặt lớn khi chùa Quán Sứ chính thức trở thành Trung tâm Phật giáo cấp Trung ương. Đến năm 1944, đại danh Tăng Thái Hư – bậc cao Tăng của Phật giáo Trung Hoa – đã đến thăm và để lại đôi câu đối khắc ghi vai trò trọng yếu của ngôi chùa:
Pháp luân tự địa đông tây chuyển
Phật đạo phùng nguyên tả hữu thông.
Đặc biệt, sau khi 9 hệ phái Phật giáo thống nhất thành lập GHPGVN năm 1981, chùa Quán Sứ được chọn làm trụ sở chính của Trung ương Giáo hội và giữ vai trò này cho đến nay. Cũng tại nơi đây, Trường Cao cấp Phật học Trung ương – tiền thân của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội – được thành lập, đặt nền móng vững chắc cho việc đào tạo Tăng tài sau thời kỳ thống nhất.
Về mặt kiến trúc tâm linh, chùa có hai gian thờ hai bên: gian trái thờ tượng Đức Ông cùng Châu Sương, Quan Bình; gian phải thờ Thiền sư Minh Không – vị Lý Quốc Sư – và hai thị giả. Ngoài ra, trong gian thờ Quan Âm, chùa còn an vị tượng Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ – bậc cao Tăng có nhiều cống hiến cho sự nghiệp hoằng pháp và thống nhất Phật giáo Việt Nam.
Kết thúc buổi chia sẻ, Hòa thượng bày tỏ mong muốn các bạn khóa sinh không chỉ ghi nhớ giá trị của các địa danh qua tên các gia đình, mà hãy dành thời gian, trước khi trở về nhà, để trực tiếp ghé thăm, tìm hiểu về những địa chỉ lịch sử – văn hóa thiêng liêng ấy. Đây không chỉ là hành trình bồi đắp kiến thức, làm giàu tâm hồn mà còn là cách để bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên, tiền nhân – những người đã góp phần gìn giữ, hun đúc văn hiến và Phật pháp cho muôn đời sau.
Buổi sáng cùng ngày, các bạn khóa sinh tiếp tục được lắng nghe bài giảng đầy cảm hứng từ Đại đức Thích Tâm Hoà – Trụ trì chùa Hòa Phúc (Hà Nội). Mở đầu bài giảng, Đại đức nhấn mạnh lại giá trị cốt lõi của đức tính khiêm cung, khiêm hạ – nền tảng quan trọng trong quá trình trưởng thành và tu dưỡng bản thân.
Tiếp theo, Đại đức chia sẻ những định hướng thực tiễn để các bạn trẻ từng bước chạm đến thành công, bắt đầu từ cách sắp xếp thời gian hợp lý giữa học tập và sinh hoạt hàng ngày. Thầy đưa ra nhiều ví dụ gần gũi, sinh động, giúp các em dễ tiếp nhận và áp dụng trong đời sống.
Cuối cùng, Đại đức nhắc nhở các bạn khóa sinh về ba tài sản quý giá nhất của tuổi trẻ: thời gian, sức khỏe và trí tuệ – những yếu tố cần được gìn giữ, trân trọng và phát huy ngay từ hôm nay, để làm hành trang vững chắc cho tương lai.
Theo Đại đức, để trân quý thời gian chúng ta cần sửa đổi bản thân, từ cách ngồi sao cho đẹp và ngay ngắn. Chỉ cần như vậy là chúng ta đang tự mình làm bản thân đẹp lên mỗi ngày. Thời gian là cơ hội quý giá nhất để sửa đổi bản thân. Tiếp đến là cách tận dụng thời gian để suy nghĩ tích cực thay vì những suy nghĩ tiêu cực gây lãng phí thời gian quý báu. Điều quan trọng là mỗi người cần trân quý giây phút này, trân quý không gian này để có cuộc sống thuận tự nhiên.
Đại đức nhấn mạnh, việc sắp xếp thời gian biểu khoa học mỗi ngày là điều cần thiết với mỗi bạn khoá sinh. Tạo thói quen dậy sớm để tận dụng thời gian sinh hoạt một cách khoa học. Sắp xếp lại thời gian cân bằng thời khoá biểu của mình để rèn luyện sức khoẻ, học tập và làm việc. Như vậy chúng ta mới có thể thành công trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, Đại đức chia sẻ, bất kỳ lúc nào, ở đâu, mỗi người đều có thể bắt đầu cho sự học và phải rèn luyện thói quen luôn luôn sẵn sàng học. Đặc biệt, Đại đức nhắc nhở, đừng bao giờ so sánh bản thân với bất kỳ ai, hãy luôn tự bằng lòng với chính mình và hoàn thiện bản thân mỗi ngày mới dẫn đến thành công.
Buổi chiều cùng ngày, các bạn bước vào thời sinh hoạt Gia đình – không chỉ là dịp gắn kết và sẻ chia, mà còn là khoảng thời gian để các bạn khóa sinh cùng nhau luyện tập, chuẩn bị cho cuộc thi “Tự hào văn hoá Việt” diễn ra vào buổi tối.
Thực hiện: Diễm My – Cộng Hoà – Tiến Lộc – PSO